Tìm hiểu về giọng nữ trung trong âm nhạc

0
139

Nhắc đến những thanh âm tuyệt vời của âm nhạc, không thể không nhắc đến giọng hát. Giọng hát đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc và thông điệp của bài hát. Trong thế giới âm nhạc muôn màu, giọng nữ trung nổi bật với vẻ đẹp riêng biệt, đầy cuốn hút. Thông qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về loại giọng hát đặc biệt này, đồng thời hiểu rõ hơn về vai trò và tầm ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực âm nhạc.

1. Khái niệm và đặc điểm của giọng nữ trung

Giọng nữ trung thường được hiểu là giọng hát trung gian giữa giọng nữ cao và giọng nữ trầm; âm vực từ nốt la quãng tám nhỏ đến là quãng tám thứ hai, rất ít người lên được nốt si quãng 8 thứ 2.

Nhà giáo Ngô Thị Nam trong cuốn sách Hát (phần năm thứ nhất – Giáo trình CĐSP) có đưa ra khái niệm và đặc điểm của giọng nữ trung: “Giọng nữ trung là loại giọng nằm giữa các loại giọng nữ cao và nữ trầm. Giọng nữ trung có âm sắc ấm áp, êm dịu. Khi hát ở âm khu trung nghe khoẻ, dày dặn; 2/3 âm giọng hát vang ở cộng minh đầu”.

Trên thế giới, giọng nữ trung thường hát các vai thứ yếu trong các vở opera. Trong thế kỷ thứ XIX, nhiều vở opera nổi tiếng viết bằng tiếng Pháp đã dành những vai nữ chính cho nghệ sĩ giọng nữ trung như Beatrice et Benedict, La damnation de Faust, Don Quixote, Dom Sébastien, Charles VI, Mignon, Samson et Dalila, Les Troyens, Werther. Giọng nữ trung cũng được biết đến trong các tác phẩm âm nhạc tiền cổ điển, opera thời tiền cổ điển và âm nhạc thời kỳ trước đó.

2. Các loại giọng nữ trung

Theo giới chuyên môn, nữ trung được phân chia theo 2 cách: Căn cứ theo âm vực và âm sắc hoặc Căn cứ theo màu sắc giọng.

Căn cứ theo âm vực và âm sắc

Giới chuyên môn cho rằng, căn cứ theo âm vực và âm sắc, giọng nữ trung có thể phân chia làm 03 loại nhỏ là: 

  • Giọng nữ trung trầm (mezzoalto): Đây là loại giọng rất hiếm, màu sắc loại giọng này tối hơn giọng nữ trung trung, thanh khu trầm xuống được đến g và cao chỉ tới A2. 
  • Giọng nữ trung trung (mezzo): Giọng hát dày, khỏe, vang dền và màu sắc ấm áp đẹp như nhung, dễ đi vào lòng người. Âm vực của giọng hát này có thể xuống trầm đến a lên đến a2, vừa đúng hai quãng tám.
  • Giọng nữ trung cao (mezzo-soprano): Loại giọng nữ trung cao gần như có thể đạt tới độ cao mang tính chất kịch tính, vì tầm cữ sử dụng (tesitura) chỉ có thể hát lướt qua b2 đồng thời xuống trầm tới b thì vang, a không vang lắm.

Căn cứ theo màu sắc giọng

Nếu dựa theo màu sắc của giọng, có thể chia giọng nữ trung thành 4 loại giọng như sau:

Giọng nữ trung màu sắc (Coloratua)

Giọng nữ trung màu sắc (coloratua) là loại giọng có âm khu thấp trầm ấm, âm khu cao thì hát luyến láy, màu sắc, linh hoạt. Loại giọng này có âm vực khá rộng, âm sắc sáng và mảnh nhất trong các loại giọng nữ trung. Âm vực:

Ưu điểm của giọng nữ trung màu sắc: Rất linh hoạt trong việc chuyển quãng, chuyển giọng, thực hiện được nhiều kĩ thuật, đặc biệt hát những nốt cao rất thuận lợi. Tuy có thể hát những nốt rất cao nhưng âm vực vẫn nằm trên quãng trung, cận cao và giọng hát tối hơn những giọng nữ cao thông thường.

Điểm phân biệt đáng chú ý giữa giọng nữ cao soprano và giọng nữ trung màu sắc (colorature) này là ở chỗ: giọng nữ trung màu sắc có thể hát trầm hơn, âm khu trung hát tốt hơn, thuận lợi hơn và giọng dầy hơn những âm khu cao. Mặc dù giọng nữ trung màu sắc có thể hát được ở âm khu cao nhưng không để lại ấn tượng như ở âm khu trầm.

Chúng ta biết đến nhiều các vai diễn anh hùng trong vở opera của Georges Handel và Monteverdi, ban đầu được hát bởi giọng nam thiến (castrato), nhưng ngày nay hát chính cho vai diễn là giọng nữ trung. Những nghệ sĩ giọng nữ trung cũng thường đảm nhận các vai nữ cao trữ tình hoặc trong các vai cô hầu gái. Các vở opera tiêu biểu có giọng nữ trung đảm nhiệm vai chính:

Ví dụ: Vai Angelina trong vở La Cenerentola (Gioachino Rossini), Ariodante trong vở Ariodante (G.F.Handel), Baba the Turk trong vở The Rake Progress (Igor Stravinsky), Griselda trong vở Griselda (Antonio Vivaldi) đều có âm vực: 

Vai Isabella trong vở Cô gái Ý tại Algiers (Gioachino Rossini) có âm vực:

Giọng nữ trung trữ tình

Đây là loại giọng khá phổ biến, nhạy cảm, trữ tình, giàu cảm xúc, âm lượng vừa phải, thể hiện ở âm khu trầm, trung và cận cao. Khác với giọng nữ trung màu sắc, loại giọng này không có sự linh hoạt trong giọng hát và quãng giọng cũng ngắn hơn, song khi hát, giọng nữ trung trữ tình khá mạnh mẽ và nội lực. Âm vực:

Các vai trong opera:

  • Vai Ariadne trong vở The Minotaur (Harrison Birtwistle); Vai Carmen trong vở Carmen (Geoges Bizet) có âm vực là:
  • Vai Charlotte trong vở opera Werther (Jules Massene) có âm vực:

Giọng nữ trung kịch tính

Giọng nữ trung kịch tính có quãng giọng rộng, âm khu thấp dầy, mạnh mẽ. Loại giọng này có thể hát cùng dàn nhạc và hợp xướng một cách dễ dàng. 

Thông thường, loại giọng này thường được sử dụng trong các vở opera thế kỷ XIX để miêu tả người phụ nữ lớn tuổi, bà mẹ, phù thuỷ và các nhân vật ác. Giuseppe Verdi đã viết nhiều tác phẩm cho kiểu giọng này. Ngoài ra nó còn xuất hiện trong một số tác phẩm opera của Pháp. Tuy nhiên, loại giọng này nhiều khi cũng hát thay thế cho giọng nữ trung trữ tình. Một số vai diễn chính trong các vở opera:

  • Vai Azucena trong vở opera Il Trovatore (Giuseppe Verdi)
  • Vai Amneris trong vở opera Aida (Giuseppe Verdi)
  • Vai Adelaide trong vở opera Arabella (Richard Strauss)
  • Vai Brangäne trong vở opera Tristan und Isolde (Richard Wagner)
  • Vai The Gingerbread Witch trong vở opera Hansel và Gretel (Humperdinck)
  • Vai Nữ bá tước trong vở opera The Queen of Spades (Pyortr llyich Tchaikovsky)

Giọng nữ trung trữ tình kịch tính (Spinto – mezzo)

Đây là loại giọng kết hợp giữa giọng nữ trung trữ tình và giọng nữ trung kịch tính. Loại giọng này sở hữu quãng trung và cận cao mạnh mẽ, nội lực, âm lượng lớn, quãng trầm dày dặn nhưng không thể hát ở cường độ lớn và đậm chất sử thi như giọng nữ trung kịch tính. Nhưng loại giọng này lại vẫn có thể hát được những ca khúc trữ tình.

3. Những giọng nữ trung nổi tiếng trong nước

Nghệ thuật Thanh nhạc Việt Nam ra đời từ rất sớm, trước năm 1945 đã có rất nhiều những nghệ sĩ đi lên từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Tuy nhiên do đời sống vật chất, chiến tranh liên miên nên đời sống tinh thần hay là âm nhạc không thực sự phát triển. Mọi người chỉ biết hát chứ khái niệm giọng nam cao tenor, giọng nữ cao soprano,… là gì cũng không ai biết được. Các nhạc sĩ cũng chỉ biết sáng tác chứ chưa thực sự quan tâm viết cho loại giọng nào. 

Mãi về sau, khi có những nhạc sĩ, ca sĩ được đào tạo ở nước ngoài như GS.NSND Nguyễn Trung Kiên, NSND Lê Dung, NSND Quý Dương,… thì thực sự những khái niệm về giọng nữ cao, nữ trung, nam cao, nam trung mới được biết đến. Đề tài nghiên cứu khoa học, sách vở ghi chép thống kê thì chỉ có hai cuốn của GS.NSND Nguyễn Trung Kiên, nhà giáo Hồ Mộ La chỉ ra được các khái niệm, âm vực, âm khu và phân định giọng hát.

Một số nghệ sĩ có chất giọng nữ trung nổi tiếng của Việt Nam:

– NSƯT Hà Thị Tâm Trừng sinh năm 1941. Năm 1961 bà học thanh nhạc tại Dàn Hợp xướng Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Học tại chức ở Nhạc viện Hà Nội vào năm 1977. Đi thực tập về thanh nhạc tại Bun-ga-ri vào năm 1978. Bà là một trong những nghệ sĩ đơn ca chủ chốt trong Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Giọng nữ trung, âm vực rộng, vang, ấm áp, bà nắm vững kỹ thuật bel canto, đã đi biểu diễn đơn ca trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước. NSƯT Hà Thị Tâm đã đảm nhiệm nhiều vai trong các vở nhạc kịch lớn như: 

  • Vai Bà mẹ trong vở Núi rừng hãy lên tiếng, 
  • Vai chị Vân và mụ Ba trong Cô sao, 
  • Vai Kiều Vân trong Người tạc tượng, 
  • Vai Suzuki trong Madame Butterfly, 
  • Vai Zita trong Ruồi Trâu,….

– NSƯT Phương Lan sở hữu giọng nữ trung trữ tình Với những âm khu trung dày dặn, ấm áp. Bà từng là diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Đã biểu diễn rất nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng với các vai như Zita trong Ruồi Trâu, chị Vân trong Cô Sao, Suzuki trong Madame Butterfly, đóng vai trò là solist chính của nhà hát trong nhiều năm liền. Bà đã từng hát đơn trong giao hưởng số 9 của Beethoven diễn ra lần đầu tiên ở Việt Nam. Hiện Bà đang là Giảng viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người đã đào tạo ra nhiều giọng nữ trung nổi tiếng.

– Ca sĩ Phương Uyên, sở hữu chất giọng nữ trung màu sắc trữ tình, đoạt giải nhất cuộc thi hát thính phòng – nhạc kịch năm 2004, là người hát khá thành công vai diễn Carmen trong vở nhạc kịch cùng tên. Là diễn viên của nhà hát nhạc vũ kịch trong nhiều năm, ca sĩ Phương Uyên luôn nắm vai trò solist quan trọng khi có những tác phẩm cần giọng nữ trung. Cô tham gia vở đại hợp xướng giao hưởng số 9 của Ludwig Beethoven trong vai trò lĩnh xướng. Hiện cô cũng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

4. Vai trò của giọng nữ trung trong các thể loại thanh nhạc

Trong thể hiện các tác phẩm thanh nhạc cổ điển nước ngoài 

Đối với các tác phẩm nước ngoài (Aria, Romance, Vacal, Vocalise…), giọng nữ trung được khai thác một cách triệt để bởi tính chất và màu giọng của giọng nữ trung. Màu sắc hài hoà, trữ tình đầm ấm nên trong các ca khúc, romance ta dễ dàng bắt gặp trong các tác phẩm của R. Schumann, F. Schubert. Đó là tuyển tập các ca khúc dành cho giọng nữ trung, mà ở đó, màu giọng cũng như sắc thái được khai thác triệt để.

tim-hieu-ve-giong-nu-trung-trong-am-nhac-8

Aria là các bài hát được trích trong các vở nhạc kịch. Như đã đề cập ở trên, giọng nữ trung thường được giao cho những vai chính thứ yếu trong các vở nhạc kịch nhưng nó giữ vai trò khá quan trọng, giữ nền chủ đạo và nâng giọng nữ cao lên.

Trong thể hiện tác phẩm Việt Nam

Trong danh mục các ca khúc Việt Nam mang tính học thuật, giọng nữ trung được sử dụng khá nhiều. Bởi các ca khúc này bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật hát tròn vành, rõ chữ, vang sáng, cộng minh thì nó cũng đòi hỏi tính chất trữ tình. 

Nhạc kịch

Các vở nhạc kịch Cô Sao, Người tạc tượng là những vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam. Nó thành công và trở nên gần gũi với khán giả Việt Nam trong nhiều năm liền, đặc biệt trong những năm kháng chiến trường kỳ. Nhân vật chị Vân, Kiều Vân hay Bà Mẹ trong Núi rừng hãy đứng lên, đều được các nhạc sĩ sử dụng giọng nữ trung. Mặc dù những phân cảnh hay sự xuất hiện của họ không nhiều nhưng nó lại là những vai diễn quan trọng hỗ trợ cho giọng nữ cao, đặc biệt trong những phần hát bè.

Ca khúc mang âm hưởng dân ca

Giọng nữ trung cũng được thể hiện trong những ca khúc mang âm hưởng dân ca, dễ đi vào lòng người nghe do mang đậm bản sắc dân tộc, nét của âm nhạc truyền thống. Những bài hát này đã góp phần giúp đời sống âm nhạc của chúng ta thêm phong phú và độc đáo. Bởi với tính chất các ca khúc dân ca mang hơi thở ngực nhiều, và chủ yếu hát giọng thật và giọng pha nên giọng nữ trung là hoàn toàn phù hợp.

Nhạc nhẹ

Nhạc nhẹ là một miền đất mới mang lại rất nhiều cảm xúc mới lạ và độc đáo. Cho tới ngày nay, đây vẫn là một thể loại âm nhạc được đông đảo người nghe yêu thích và đón nhận. 

tim-hieu-ve-giong-nu-trung-trong-am-nhac-9

Nhạc nhẹ du nhập vào nước ta ngày càng phong phú và đa dạng nhưng vượt qua những ảnh hưởng ấy thì bản thân nhạc nhẹ của Việt Nam đã khẳng định được mục đích và hướng đi cho riêng mình. Bị ảnh hưởng, phát triển từ nhạc nhẹ châu Âu nhưng nhạc nhẹ của Việt Nam đã phản ánh nội dung và mang những đặc trưng của dân tộc, phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ của con người Á Đông đó là: Yêu thích sự nhẹ nhàng, tinh tế.

Nhạc nhẹ là một mảng đề tài không thể thiếu trong bức tranh âm nhạc toàn cảnh của nền âm nhạc nước nhà. Với những đặc điểm đó, ta thấy với chất giọng nữ trung trong màu sắc, đặc điểm và quãng giọng là hoàn toàn phù hợp. Những tác phẩm trước đây cũng như hiện tại sử dụng giọng nữ trung là phổ biến.

Trong hát bè, hát hợp xướng

Luyện tập hát bè, hát đồng ca, hợp xướng,… thì giọng nữ trung được coi là khá quan trọng. Khác với giọng nữ cao là khoe kỹ thuật, phô diễn giai điệu thì giọng nữ trung lại như “nền móng” vững chắc để xây dựng tòa nhà cao tầng. 

Hầu hết các nhà soạn nhạc trên thế giới hay Việt Nam đều khai thác triệt để quãng giọng của giọng nữ trung. Ta có thể bắt gặp ít nhiều trong các tác phẩm hợp xướng của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (đôi khi giọng nữ trung còn được hát solo trong vài tác phẩm hợp xướng của ông). Giao hưởng số 9 của Ludwig Van Beethoven, đại hợp xướng trong đó giọng nữ trung cũng được đứng ngang hàng quan trọng như các loại giọng khác.

Tham khảo ngay:

Như vậy, qua bài viết VietVocal đã giúp bạn tìm hiểu về giọng nữ trung – Một loại giọng hát đặc biệt với những nét riêng biệt và đầy thu hút. Giọng nữ trung đóng vai trò quan trọng trong âm nhạc, mang đến cho người nghe những cảm xúc độc đáo và khó quên. Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại giọng hát đặc biệt này. Hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết tiếp theo nhé!

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 0 Trung bình: 0]
Banner khóa học
Bài trướcHơi thở trong thanh nhạc và cách luyện tập hơi thở hiệu quả
Bài tiếp theoHướng dẫn luyện tập khẩu hình chuẩn khi hát