Hơi thở trong thanh nhạc và cách luyện tập hơi thở hiệu quả

0
116

Hơi thở là yếu tố then chốt trong thanh nhạc, đóng vai trò quyết định đến chất lượng giọng hát và khả năng biểu diễn của ca sĩ. Kỹ thuật lấy hơi đúng cách giúp ca sĩ kiểm soát hơi thở hiệu quả, tạo ra âm thanh vang, khỏe và đầy đặn. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về sự thay đổi của hơi thở trong thanh nhạc qua quá trình phát triển của nghệ thuật ca hát, cũng như hướng dẫn cách luyện tập hơi thở hiệu quả.

Sự thay đổi của hơi thở trong thanh nhạc qua quá trình phát triển của nghệ thuật ca hát

Trong quá trình phát triển nghệ thuật ca hát, trên thế giới đã áp dụng nhiều kiểu thở khác nhau. Mỗi kiểu thở đều xuất phát từ yêu cầu của phong cách biểu diễn, yêu cầu của âm nhạc trong từng thời kỳ khác nhau. Để hiểu rõ về hơi thở trong thanh nhạc, chúng ta cùng điểm sơ qua sự thay đổi của hơi thở thanh nhạc trong quá trình phát triển của nghệ thuật ca hát.

Hơi thở thanh nhạc trong trường phái hát cổ điển Ý

Chúng ta đều biết nước Ý là đất nước có truyền thống ca hát lâu đời, quê hương của những ca sĩ nổi tiếng trên thế giới như Caruso, Danmonte,… Ngay từ thế kỷ XVII, XVIII, trường phái hát cổ điển Ý hay còn gọi là trường phái Bel Canto đã đạt được thành công trong nghệ thuật ca hát. Nhiều giáo sư thời đó đã viết nhiều sách về kỹ thuật thanh nhạc, đặc biệt trong đó đề cập nhiều đến vấn đề hơi thở.

hoi-tho-trong-thanh-nhac-va-cach-luyen-tap-hoi-tho-1
Hơi thở thanh nhạc trong trường phái hát cổ điển Ý

Trường phái ca hát cổ điển của Ý quan niệm về hơi thở thanh nhạc như sau: “Khi hít hơi phải hết sức nhẹ nhàng, không được phình bụng ra, mà hơi hóp bụng vào, lồng ngực trên hơi nâng lên rồi hạ dần xuống khi đẩy hơi ra ngoài”. Họ yêu cầu không được lấy hơi thở quá căng, không sử dụng hết hơi thở trước khi hít hơi thở khác. 

Về cách ghìm hơi, trường phái này cho rằng cần phải hết sức tiết kiệm hơi thở. Thắp một ngọn nến đặt phía trước miệng, khi hát nếu ngọn nến không bị lay động, như vậy là hơi thở đúng.

Hơi thở thanh nhạc trong trường phái hát mới

Nếu ta so sánh quan niệm hơi thở thanh nhạc của trường phái cổ điển Ý với quan điểm về hơi thở thanh nhạc của các ca sĩ Ý từ nửa sau thế kỷ XIX, gọi là trường phái mới thì sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. Trường phái mới cho rằng: Trong khi hát, bộ phận hô hấp và cơ bắp phải hoạt động một cách tích cực để tạo nên một cột hơi đầy đặn và sâu. 

F.Lamperti chính là người thầy đại diện cho trường phái này, ông đã đào tạo ra hàng loạt ca sĩ nổi tiếng. Ông khẳng định “Nghệ thuật ca hát là nghệ thuật hơi thở”. F.Lamperti cho rằng hơi thở là khâu quyết định toàn bộ quá trình ca hát.

Kiểu thở mới là kiểu thở ngực hay còn gọi là thở hoành cách mô. Kiểu thở này biểu hiện đặc tính kỹ thuật thanh nhạc giữa thế kỷ XIX. Sự thay đổi này là do: Thế kỷ XVII, XVIII là thời kỳ của nghệ thuật ca hát màu sắc. Các tác phẩm thời kỳ này mang tính chất thính phòng, với phong cách trữ tình, nhẹ nhàng, ít có những cao trào mang tính mãnh liệt, cho nên người ca sĩ khi biểu diễn những tác phẩm đó không cần có giọng hát với âm lượng khoẻ, một độ vang lớn trên toàn bộ âm vực của giọng hát. 

hoi-tho-trong-thanh-nhac-va-cach-luyen-tap-hoi-tho-2
Hơi thở thanh nhạc trong trường phái hát mới

Đối với ca sĩ nam, tầm cữ giọng không vượt quá giới hạn giọng ngực tự nhiên, hát lên cao hát càng nhỏ đi, lúc ấy tiêu chuẩn âm thanh là nhẹ nhàng, thanh thoát phù hợp với tính chất trữ tình của âm nhạc trong các tác phẩm. Người ca sĩ thường biểu diễn với một dàn nhạc nhỏ, biên chế dàn nhạc không lớn như những dàn nhạc của các nhà hát nhạc kịch thời kỳ sau. Phòng hòa nhạc cũng nhỏ, thường là phòng hòa nhạc của hoàng cung, các gia đình quý tộc,… Tất cả đặc điểm ấy làm nảy sinh ra phong cách biểu diễn ca hát của trường phái cổ điển Ý, với yêu cầu âm thanh nhẹ nhàng, mềm mại và xuất hiện kiểu thở ngực phù hợp với nó.

Từ giữa thế kỉ XIX, luồng gió mới của chủ nghĩa hiện thực đã thổi vào văn học nghệ thuật. Bằng bút pháp mới, các nhạc sĩ đã phản ánh hiện thực mâu thuẫn gay gắt của cuộc sống xã hội trong tác phẩm của mình. 

Trong lĩnh vực nghệ thuật ca hát đã xuất hiện thêm nhiều vở nhạc kịch lớn với nội dung hiện thực sâu sắc. Một yêu cầu mới đặt ra cho các ca sĩ hát nhạc kịch là phải tìm cách biểu diễn mới, đáp ứng được với tính chất, nội dung âm nhạc của tác phẩm. Trong các tác phẩm nhạc kịch thời đó, các tác giả đã phát triển và nâng cao âm vực của phần hát và phần bè của các vai. 

Do yêu cầu đó đã xuất hiện những xung đột gay gắt bằng những âm thanh ở âm khu cao, nên đòi hỏi các ca sĩ phải hát với âm lượng đầy đặn, khỏe khoắn trên toàn bộ âm vực của giọng, nhất là những nốt cao. Nếu với âm thanh yếu ớt của giọng giả không thể đáp ứng nhu cầu biểu hiện nêu trên. Kèm theo đó là tổ chức dàn nhạc trong các nhà hát nhạc kịch phát triển với quy mô lớn hơn, có từ 60 đến 70 nhạc công trở lên. 

Như vậy âm lượng dàn nhạc rất lớn, người ca sĩ phải hát sao cho tiếng hát vượt qua dàn nhạc tới người nghe. Rồi đến phòng nghe ở nhà hát cũng được mở rộng hơn với ba, bốn tầng với sức chứa lên tới vài nghìn người. Tất cả những đặc điểm đó buộc ca sĩ phải tìm ra phương pháp hát sao cho phù hợp, có hiệu quả. 

Kết quả họ đã tìm ra “âm thanh hỗn hợp đóng tiếng” cho giọng nam. Tính chất âm vang khoẻ khoắn, phong cách biểu diễn mới với hơi thở sâu, do vậy không thể dùng hơi thở ngực mà phải hát bằng kiểu thở hoành cách mô. Kiểu thở này lấy hơi sâu, đẩy cả phần dưới phổi, rồi nén hơi, tạo ra sức bật lớn, cho phép giọng nam có những âm thanh đóng ở âm khu cao, làm tất cả các loại giọng có được âm thanh khoẻ hơn trên toàn bộ âm vực giọng của mình.

Hướng dẫn luyện tập hơi thở 

Hơi thở trong thanh nhạc không chỉ để thể hiện kĩ thuật mà còn có ý nghĩa quyết định tới việc thể hiện cảm xúc trong mỗi tác phẩm. Do đó các bạn cần luyện tập hơi thở ngay từ khi bắt đầu học thanh nhạc. 

Luyện tập thể dục, chơi thể thao

Có thể hoạt động cuộc sống thường ngày con người thở kiểu hỗn hợp với cả lồng ngực và hoành cách mô. Khi cơ thể ở trạng thái không hoạt động mạnh, nhịp tim thở đập trung bình. Nhưng khi cơ thể hoạt động mạnh thì mọi hoạt động cơ bắp đều tăng cường và tích cực. 

Hơi thở thanh nhạc mà ở kiểu thở hoành cách mô chính là việc chúng ta phải hoạt động tích cực hơn nhiều, hít thở sâu hơn nhiều so với hoạt động thông thường. Do đó những hoạt động như đi bộ, chơi thể thao, đi bơi,… để có sức khoẻ tốt.

Luyện tập với các bài tập thở

Kkểm soát hơi thở

Trong thực hành, người ta chia ra các kiểu thở khác nhau như thở ngực, thở ngực kết hợp bụng, thở ngực dưới với bụng và thở bụng. Luyện tập hơi thở trong thanh nhạc là một công việc luyện tập rất kiên trì, tập luyện hàng ngày, bền bỉ cũng như không được nôn nóng. Bởi hàng ngày với chế độ ăn uống ngủ nghỉ thích hợp kèm chơi thể thao và luyện tập 30 phút mỗi ngày với những bài tập hơi thở sẽ giúp bạn có luồng hơi tốt hơn.

Tham khảo một số bài tập thở ngay TẠI ĐÂY!

Luyện tập với các mẫu luyện thanh dài

Luyện tập với những mẫu luyện thanh dài phù hợp giúp củng cố cho cột hơi của bạn. Trước khi vào các mẫu luyện thanh, bạn cần tập xì hơi, làm âm ngậm, tập hít hơi, đẩy hơi. Sau đây là một số mẫu luyện thanh luyện tập hơi thở VietVocal gợi ý cho bạn:

Ví dụ 1:

Khi hát mẫu luyện thanh trên, bạn lấy hơi sâu, nén chắc hơi thở, hàm trên nhấc lên cao, mở họng trong to, hai môi chụm lại và bật âm “i” dứt khoát, vị trí bám chắc ở chân răng cửa trên, hát legato với tốc độ chậm, nhẹ nhàng và điều tiết hơi thở đều đặn tránh để mờ các nốt luyến sau. 

Khi hát hết âm “i” không được lấy hơi mà phải hát legato sang âm “ô”, lúc này sinh viên cần khéo léo chuyển khẩu hình dọc, cằm dưới thả xuống nhiều hơn chút nữa và bật âm “ô” dứt khoát. Khi hát hết nốt f1 của câu nhạc đầu tiên, bạn cần lấy hơi và hát nhẹ nhàng ở những nốt thấp, nén chắc hơi để tránh bị dềnh hơi làm mờ âm thanh và sai vị trí âm thanh. Tiếp tục giữ hơi và hát với âm lượng to ở nốt cao nhất, nhưng lưu ý khi hát xuống nốt thấp thì cần phải hát với âm lượng nhỏ.

Ví dụ 2:

Đây là mẫu luyện thanh để tập luyện hơi thở rất tốt. Vẫn bắt đầu bằng âm “i” và nốt đầu tiên là c1, bạn cần lấy hơi dưới ngực vừa đủ, không được lấy hơi nhiều và sâu dưới bụng, bởi ở câu hát này chỉ hát ở những nốt thấp vậy nên việc lấy hơi nhiều sẽ dẫn tới bị dềnh hơi khi hát và khó để bật âm thanh. 

Bạn sẽ hát legato, mượt mà, nhẹ nhàng từ nốt c1 cho tới lúc lấy hơi để hát tiếp câu nhạc tiếp theo. Ở câu nhạc này xuất hiện những nốt có âm vực cao nên bạn phải lấy hơi sâu, hát legato chậm từ nốt thấp tới nốt cao nhất, dồn hơi thở nhiều vào nốt cao nhất để có âm lượng to và vang. 

Ví dụ 3:

Nhìn vào ví dụ 3 chúng ta đã thấy ngay bước nhảy quãng tám (từ c1 đến c2). Đây cũng là một trong những mẫu luyện thanh để chúng ta luyện hơi thở và luyện cách hát nhảy quảng rất hiệu quả. Khi hát mẫu luyện thanh này bạn cần hát như sau: 

Lấy hơi nhiều dưới ngực, bật âm thanh nhẹ vào c1, hát legato từ c1 lên c1 làm sao cho âm thanh mượt, đưa hơi thở lên nhiều vào nốt c2 để có âm thanh vang sáng và ngân dài tại nốt c2 cho tới khi hơi thở còn ít đủ để hát những nốt còn lại và tiếp tục hát xuống những nốt thấp với âm lượng nhỏ.

Như vậy, bài viết trên VietVocal đã giúp bạn hiểu rõ sự thay đổi của hơi thở trong thanh nhạc qua các thời kỳ và cách luyện tập hơi thở hiệu quả. Hãy kiên trì luyện tập mỗi ngày để cải thiện chất lượng giọng hát của bạn. Chúc bạn thành công trên con đường chinh phục nghệ thuật thanh nhạc!”

Các bạn có thể tham khảo và đăng ký hoặc thử miễn phí khóa học “Làm chủ hơi thở thanh nhạc” cùng ca sĩ Mỹ Linh TẠI ĐÂY.

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 0 Trung bình: 0]
Banner khóa học
Bài trướcThanh nhạc là gì? Những điều bạn cần biết trước khi học thanh nhạc
Bài tiếp theoTìm hiểu về giọng nữ trung trong âm nhạc