Thanh nhạc là gì? Những điều bạn cần biết trước khi học thanh nhạc

0
113

Thanh nhạc là một môn học vô cùng quan trọng đối với những ai muốn theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không có ý định trở thành ca sĩ, học thanh nhạc vẫn có thể mang lại cho bạn nhiều lợi ích. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thanh nhạc là gì và những yếu tố quan trọng cần lưu ý trước khi bắt đầu theo đuổi bộ môn nghệ thuật này!

1. Thanh nhạc là gì?

Thanh nhạc là loại hình nghệ thuật mà ở đó có sự kết hợp của ca sĩ với các loại nhạc cụ hoặc chỉ là giọng hát của ca sĩ. Ca hát chính là thanh nhạc và người ca sĩ cũng có thể được xem như là một nhạc cụ sống.

thanh-nhac-la-gi-2
Thanh nhạc là gì?

Có rất nhiều các quan điểm, ý kiến khác nhau về định nghĩa thanh nhạc mà ngay cả trên thế giới cũng có nhiều những khái niệm. Cụ thể:

Theo nhà giáo Nguyễn Trung Kiên: “Ca hát là một bộ môn nghệ thuật được kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và ngôn ngữ được gọi là thanh nhạc, đã trở thành một phương tiện truyền cảm hứng giáo dục tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giải trí vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội”. 

Theo Trần Ngọc Lan: “Ca hát được bắt nguồn từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ sinh ra từ nhu cầu giao tiếp, truyền tải ý nghĩ và tình cảm từ cá nhân này sang cá nhân khác. Ngôn ngữ đã trở thành công cụ để phản ánh thế giới khách quan, trở thành phương tiện để giao tiếp và bộc lộ tình cảm giữa con người với con người. Ca hát được cho là ngôn ngữ gián tiếp ở mức độ cao”. 

Thông qua các khái niệm, quan điểm trên, VietVocal xin đưa ra một định nghĩa về thanh nhạc như sau: Thanh nhạc là một loại hình nghệ thuật âm nhạc, trong đó người hát sử dụng âm thanh của giọng nói và ngôn ngữ để biểu đạt tâm tư, tình cảm của mình, đồng thời truyền tải nội dung, ý nghĩa, thông điệp của bài hát tới người nghe. Bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi người hát phải vận dụng các kĩ thuật thanh nhạc nhằm hướng tới một giọng hát đẹp bao gồm những yếu tố căn bản như “vang, sáng, tròn”.

2. Kỹ thuật thanh nhạc là gì?

Kỹ thuật thanh nhạc bao gồm các kỹ thuật phát triển giọng hát (âm khu, âm vực, hơi thở, âm sắc), các kỹ thuật hát (hát âm nảy, hát liền giọng, hát chạy nhanh nhiều nốt, hát từ to đến nhỏ, hát từ nhỏ đến to, hát rung, tri, láy,…).

thanh-nhac-la-gi-3
Kỹ thuật thanh nhạc là gì?

Kỹ thuật thanh nhạc là điều cơ bản nhất của một người hát, đặc biệt là với những người làm “nghề” ca hát. Việc sử dụng kỹ thuật vào trong ca hát có thể nói là cách làm đúng. Chỉ có việc quá lạm dụng kỹ thuật mới khiến phá hỏng mất phần cảm xúc và làm cho phần trình diễn trở nên khô cứng. Tuy nhiên, nó lại là một khái niệm khá trừu tượng vì nó liên quan đến các bộ phận bên trong cơ thể mà chúng ta không thể nhìn, ngắm, sờ vào được.

Học tập kỹ thuật thanh nhạc chiếm vị trí quan trọng trong việc đào tạo ca sĩ. Bất cứ giọng hát nào, dù cho được trời phú cho chất giọng đẹp đến đâu, muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp cũng phải trải qua quá trình hoàn thiện giọng hát, phát triển kỹ thuật thanh nhạc. Giọng hát đẹp là điều đáng quý nhưng cần phải được gọt giũa, rèn luyện. 

Xem ngay: 8 kỹ thuật thanh nhạc cơ bản đến nâng cao bạn cần biết

3. Cơ quan phát âm trong thanh nhạc

Tiếng hát được tạo ra bởi sự hoạt động tổng hợp của cơ quan phát âm, bao gồm nhiều bộ phận làm việc gần như cùng một lúc, liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Trong đó, cơ quan phát âm gồm 4 bộ phận chính: Phổi, Thanh quản, Cuống họng và Miệng.

Phổi

Phổi gồm các tế bào xốp có độ co giãn lớn, cấu tạo thành túi. Những túi này co giãn chứa đầy không khí, co lại để đẩy không khí ra ngoài. Khi ta hít hơi, hai buồng phổi nở ra, sau đó khi ta hát hoặc nói, luồng khí từ phổi đẩy ra sẽ làm rung thanh đới và phát ra âm thanh. 

Chất lượng của âm thanh cũng phụ thuộc vào luồng hơi thở từ phổi đẩy ra tác động vào thanh đới. Luyện tập hơi thở chủ yếu là luyện tập hơi thở tác động vào phổi và các cơ hô hấp. Phổi được ngăn cách với bụng bởi một màng ngăn giãn được gọi là hoành cách mô.

Thanh quản

Thanh quản là ống nối tiếp với khí quản, nằm ở phía trước cổ, phần giữa thanh quản thắt lại như cổ chai, chỗ thắt lại này là do những sụn và dây cơ nằm chắn ngang hai bên, đó là thanh đới. Thanh đới khi không hoạt động nằm tại hai bên ống thanh quản tạo nên một khe hở gọi là khe thanh quản. Khe này thay đổi hình dáng lúc đóng, lúc mở do thanh đới rung lên, dưới tác động của luồng hơi thở từ phổi ra. 

Thanh đới là phần quan trọng nhất trong thanh quản có cấu tạo gồm các dây cơ và sụn, hoạt động khi chúng ta phát âm. Khi lấy hơi, luồng hơi thở tác động lên thanh đới khiến dây thanh đới rung lên và phát ra âm thanh. Đồng thời lúc đó thanh đới cũng sẽ tác động trở lại. Hai lực này tác động qua lại với nhau và luôn luôn giữ ở mức độ phù hợp. Nếu lực của luồng hơi qua mạnh hơn lực của thanh đới rung sẽ tạo ra âm thanh quá căng thẳng như gào thét. Ngược lại, thì âm thanh tạo lại sẽ bị quá yếu hoặc không đạt yêu cầu. 

Thanh đới là quan trọng bởi nếu hoạt động quá mức, thanh đới mỏi mệt, sẽ dẫn đến hiện tượng khản tiếng hoặc giọng hát bất bình thường. Chúng ta hãy tập thói quen hát đúng, tránh tình trạng gào thét, hát quá to dễ dẫn đến mất giọng. Đây là vấn đề “sống còn” của ca sĩ chuyên nghiệp nếu không muốn bị mất giọng.

Cuống họng

Khi thanh đới rung lên tạo ra âm thanh, âm thanh đi từ khe thanh quản lên, được phóng to ra cuống họng. Khi há miệng rộng, hạ cuống lưỡi xuống nhìn sâu bên trong ta thấy cuống họng. Cuống họng cũng có thể mở ra được một chút. Nó là bộ phận truyền âm, nằm tiếp giáp miệng, nên dễ ảnh hưởng của thời tiết, nóng lạnh, dễ bị kích thích. Do vậy cẫn giữ gìn để cuống họng không bị viêm nhiễm, ảnh hưởng đến giọng hát. 

Miệng

Miệng là nơi âm thanh được phát ra bên ngoài. Đây là bộ phận được làm việc liên tục trong suốt thời gian hát, hình dáng của nó thay đổi liên tục do sự phụ thuộc vào ngôn ngữ. Hoạt động của miệng bao gồm cử động của hàm ếch mềm, lưỡi, môi, hàm dưới và răng. Miệng đóng vai trò quan trọng khi phát âm. Âm thanh phát ra ngoài từ thanh đới sẽ thông qua hoạt động của miệng. 

Những bộ phận của miệng có tác dụng hỗ trợ các hoạt động của thanh đới, hơi thở,… Ca hát là nghệ thuật kết hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc. Vì thế mà hoạt động của miệng để tạo ra âm thanh mang ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài các bộ phận chính thì còn có những bộ phận rất quan trọng khác nữa đó là xoang mũi, vòm mặt và trán.

4. Vị trí âm thanh trong thanh nhạc là gì?

Vị trí âm thanh trong thanh nhạc là một trong những yếu tố kỹ thuật quan trọng bậc nhất. Âm thanh phát ra cần phải có vị trí cao, sáng, vang, tròn vành, rõ chữ. Đó chính là các tiêu chí của một âm thanh đẹp. Vị trí âm thanh gồm có hai loại là cộng minh ngực và cộng minh đầu. 

Cộng minh đầu

Cộng minh đầu chính là cảm giác khi chúng ta hát tốt âm thanh phát ra không phải vang từ miệng mà ở vị trí cao hơn đầu, hơi rung tại xương mặt. Người ta nói âm thanh đó được đưa vào lớp mặt nạ (mask). Trên xương vòm mặt có các hốc gọi là xoang phụ của mũi, những xoang này thông với nhau, được bao bọc bởi lớp niêm mạc có các dây thần kinh. Dây thần kinh này bị kích thích rung động tạo nên một cảm giác đặc biệt gọi là cộng minh đầu. 

Cộng minh ngực

Cộng minh ngực là loại cảm giác rung vang ở lồng ngực. Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta hát ở âm khu ngực. Nó chỉ xuất hiện khi dây thanh đới rung lên những âm trầm, do đó khi hát giọng giả thanh không có cảm giác cộng minh ngực. Hai cảm giác này đều quan trọng giúp người ca sĩ đánh giá được hoạt động của cơ quan phát âm đúng hay sai.

Như vậy, qua bài viết này VietVocal đã giúp bạn tìm hiểu thanh nhạc là gì cũng như những kiến thức quan trọng cần biết trước khi theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Thanh nhạc không chỉ giúp bạn hát hay hơn, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần. Nếu bạn đam mê âm nhạc và muốn chinh phục nghệ thuật thanh nhạc, hãy bắt đầu học thanh nhạc ngay từ hôm nay! 

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 1 Trung bình: 5]
Banner khóa học
Bài trướcTop 5 trang web tự học thanh nhạc tại nhà hiệu quả không thể bỏ qua
Bài tiếp theoHơi thở trong thanh nhạc và cách luyện tập hơi thở hiệu quả