Những nhóm nhạc tạo nên “thời kỳ vàng son” của dòng nhạc A cappella Việt Nam

0
655

Nếu nói A cappella là dòng nhạc chỉ dành cho các ca sĩ quốc tế hoặc những ca sĩ da màu thì thực sự đó là một thiếu sót đối với các ca sĩ châu Á. Bởi vì chính họ cũng là một trong những người từng đưa dòng nhạc này đến với đỉnh cao trong những năm cuối thập niên 90. A cappella Việt Nam cũng từng là một cái tên “vàng” không thể không kể tới.

Chắc chắn thế hệ 8x, 9x đã từng ngồi ngâm nga, tận hưởng sự tuyệt vời của những ca khúc A cappella nổi tiếng. Không ai khác, chính những nhóm nhạc huyền thoại như MTV, 5 Dòng Kẻ, Thanh Lam, Mắt ngọc,… thể hiện.

 

Chặng đường gian nan của A cappella tại Việt Nam

Giới chuyên môn thường nói rằng, A cappella là dòng nhạc sinh ra để dành cho các chàng ca sĩ da màu, bởi ngoài giọng hát với nội lực thuộc hàng “khủng”, các ca sĩ vận dụng thể loại này vào trong âm nhạc cũng cần có kỹ thuật luyến âm cực kì tốt. Và thật hợp lý khi những điều này đều hội tụ đủ ở những ca sĩ da màu ở trên thế giới.

Tuy nhiên, điều mà các nhà nghiên cứu âm nhạc không thể ngờ được đó chính là sự lan rộng của trào lưu âm nhạc này khi vào châu Á một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Thời điểm thập niên 90 tại Châu Á, phong cách A cappella phát triển mạnh ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đến nay, A capella đã trở nên thịnh hành trong hoạt động âm nhạc biểu diễn, nhất là tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Riêng ở Việt Nam, A cappella đã xuất hiện từ rất lâu và phát triển rộng rãi trong giáo án của các trường nhạc.

Thời điểm đó, cụm từ “A capella” chỉ được giảng dạy ở các nhạc viện như một môn học, dĩ nhiên là với tính chất kinh viện. Đó là lý do vì sao dòng nhạc này lại không hề xuất hiện rầm rộ tại thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa trong âm nhạc với quốc tế. Chính vì tính “phi thực tế” và sự khó nhằn của việc áp dụng phong cách này vào trong việc phối nhạc quá mới mẻ khiến rất nhiều nhạc sĩ phải “chào thua”. Đây cũng là một trong những điều ngăn cản A cappella có thêm bước tiến tại Việt Nam.

Dù vậy, không nằm ở trên lý thuyết quá lâu, A cappella biến hóa vào âm nhạc thường thức Việt Nam vào cuối thập niên 90 cùng với một làn gió mới mẻ. Và sự khai mở chỉ bắt đầu với cái tên MTV.

MTV – Nhóm nhạc tiên phong cho phong cách trình diễn A cappella

Nói thêm về phong cách trình diễn A cappella, nghệ sĩ chính có thể lựa chọn phong cách hát hòa quyện chung với nhóm bè hoặc solo. Phổ biến nhất vẫn là lối hát bè cùng với nhiều giọng khác nhau. Chính điều này đã tạo động lực cho những nhóm nhạc mới nổi ở thời điểm đó áp dụng vào trong những sản phẩm âm nhạc mới. Khi nhắc tới nhóm nhạc tiên phong trào lưu hát A cappella tại Việt Nam, không thể không nhắc tới nhóm MTV.

acappella-viet-nam-1
MTV – Nhóm nhạc tiên phong cho phong cách trình diễn A cappella

Ban nhạc trẻ thử nghiệm phong cách trình diễn A cappella đầu tiên tại Việt Nam có thể kể đến là MTV. Nhóm nhạc này với bốn chàng trai là Lê Minh, Trung Tùng (Phan Đinh Tùng), Anh Tuấn, Hùng Vũ đã xuất hiện lần đầu tiên tại Nhà hát Thành Phố ở trong Chương trình “Xuân 2000” của đạo diễn Hữu Dũng. Nhưng phải tới gần nửa năm chạy ngược chạy xuôi các sân khấu ca nhạc, quán Bar,… Con đường của MTV mới thực sự mở ra khi nhóm được nhạc sĩ Tuấn Khanh (Producer của nhóm sau này) phát hiện và mời tham gia Chương trình ca nhạc mang tên “Ấn tượng Sài gòn 4” cùng với bản A cappella “Trống Cơm”.

Chính lúc ra mắt ca khúc hát A cappella đầu tiên có tên “Trống cơm”, nhóm MTV khiến cả làng nhạc Việt chấn động bởi sự “chịu chơi” của một nhóm nhạc mới được thành lập. Nhiều người yêu thích những bài Acapella của nhóm MTV chỉ đơn thuần vì nhạc cụ của họ được tạo ra từ âm thanh do miệng phát ra. Thậm chí nhiều khán giả vẫn còn hoang mang và giống như được khai sáng với phong cách âm nhạc mới mà họ nghĩ rằng là điều không thể.

Điểm đặc biệt của nhóm MTV thời điểm đó chính là 4 giọng ca đều tập hợp được những kiểu giọng khác biệt, từ giọng nam trầm (Bass) đến nam trung (Baritone) và nam cao (Tenor). Ngoài ra, thế mạnh của nhóm MTV còn là những giọng hát đã được đào tạo bài bản, có sẵn bản năng về âm nhạc thuộc hàng cao cấp. Những thành viên của MTV lúc đó được cho là có thể tự mình theo đuổi nghiệp solo bởi vì âm sắc giọng hát đã quá khác biệt.

Tham khảo thêm: Các thể loại giọng hát nam trong âm nhạc

Những nhóm nhạc, ca sĩ theo đuổi phong cách hát A cappella tiếp theo

acappella-viet-nam-4
AC&M – thế hệ tiếp nối phong cách hát A cappella của nhóm MTV

Sau MTV là những nhóm nhạc như AC&M, 5 Dòng Kẻ. Những sáng tác được chọn để thể hiện theo phong cách hát A cappella chủ yếu là ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Thanh Tùng. Nhưng đặc biệt, nhóm AC&M đã chọn những bài hát dân ca như: “Lý cây đa”, “Trống cơm”, “Lý con sáo”, “Cò lả”,… để thể hiện theo phong cách A cappella và đã khiến khán giả chú ý tới thể loại âm nhạc này. Sự xuất hiện của nhóm AC&M đã chính thức thổi bùng một ngọn gió mang tên A cappella đến đông đảo khán giả trẻ ở Việt Nam.

Đỉnh cao của phong cách hát A cappella không thể không nhắc đến nhóm nhạc 5 Dòng Kẻ, nhóm nhạc đã mang làn gió mới mềm mại hơn trong việc định hình phong cách A cappella vào trong nền âm nhạc Việt Nam. Tuy 5 Dòng Kẻ có định hướng theo dòng nhạc world music, thế nhưng album đầu tay của nhóm được mang tên “Tự tình ca” đã ghi đậm dấu ấn ở trong lòng công chúng yêu âm nhạc với thể loại A cappella.

acappella-viet-nam-3
Nhóm 5 Dòng Kẻ áp dụng bộ gõ vào phong cách hát A cappella

Việc sử dụng bộ gõ, âm thanh của nhạc cụ mộc đã trở thành một xu hướng mới mẻ, giúp cho A cappella Việt Nam có hương vị rộn ràng, âm sắc tuyệt vời và gần gũi hơn. Thời điểm đó, các ban nhạc và ca sĩ hát theo đuổi phong cách này chưa nhiều.

Có thể kể đến một số ban nhạc, ca sĩ hát A cappella như: Ngọc Anh, Con gái (“Trăng Chiều”), Tam ca 3A, Ánh Tuyết, Thanh Lam (chương trình “Nắng lên”), Hồng Nhung (“Một mình”).

Sự trầm lắng của thể loại A cappella Việt Nam sau này

Tuy nhiên sau giai đoạn đó, thể loại Acappella đã trở thành dĩ vàng huy hoàng của nền âm nhạc Việt Nam. Sự trầm lắng này không có nghĩa là A cappella đã hết sức hút mà lý do hơn cả, việc ứng dụng cách hát A cappella cần trình độ, từ người phối nhạc cho đến ca sĩ trình diễn. Điều này đòi hỏi được sự ăn ý ở trong giọng hát của nhóm nhạc hay nhóm bè. Chính vì điều đó, không có nhiều ca sĩ tên tuổi có thể áp dụng được điều này, thể loại A cappella cũng chìm vào lãng quên.

Nhiều nỗ lực từ những nhà nghiên cứu âm nhạc trong việc đưa thể loại A cappella trở lại thời kỳ huy hoàng tại Việt Nam nhưng vẫn chưa có kết quả. A cappella hiện tại không còn là phong cách hát gần gũi với giới trẻ. Chỉ những người thực sự yêu âm nhạc và có trình độ cảm thụ âm nhạc cao mới tìm đến và thưởng thức. Và cũng không có nhiều nghệ sĩ theo đuổi phong cách hát này nữa.

Dù vậy không thể không nhìn nhận rằng A cappella có lẽ là một phong cách hát đáng được tiếp thu và phát triển, dù là ở Việt Nam hay thế giới. 

 

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức về phong cách hát A cappella Việt Nam. Nếu bạn đang tìm một khóa học thanh nhạc cơ bản dành cho người mới bắt đầu. Có thể tham khảo và đăng ký học thử miễn phí các khóa học thanh nhạc của VietVocal ngay TẠI ĐÂY!

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 1 Trung bình: 5]
Banner khóa học
Bài trướcÂm nhạc là gì? Lịch sử phát triển của âm nhạc
Bài tiếp theoPentatonix – Làn gió mới đưa khán giả đến với A cappella hiện đại