Kỹ thuật gằn giọng (Growling) là một cách hát và kỹ thuật hát phổ biến trong âm nhạc đại chúng. Nó giống như một thủ thuật hát giúp ca sĩ thể hiện được nội lực trong giọng hát của họ.
Nghe nói đến gằn giọng có vẻ như nhiều bạn sẽ nghĩ rằng nó không tốt cho giọng hát của bạn. Nhưng thực tế đây là một kỹ thuật thanh nhạc được dùng chủ yếu trong nhạc Pop. Cùng VietVocal tìm hiểu về kỹ thuật gằn giọng nhé.
Mục lục
Kỹ thuật gằn giọng là gì?
Gằn giọng hay còn gọi là Growling là một kỹ thuật khá phổ biến trong dòng nhạc pop.
Gằn giọng cũng thường được ca sĩ theo dòng nhạc Soul/R&B/Gospel sử dụng để nhấn mạnh một âm tiết, nốt nhạc nào đó, nhằm biểu đạt sức mạnh, nội lực, sự man dại của họ.
Sau này, gằn giọng trở nên phổ biến với mọi ca sĩ Pop/Rock trên thế giới. Nó giống như một thủ thuật hát giúp ca sĩ thể hiện được nội lực trong giọng hát của họ.
Ngoài ra, gằn giọng đúng cách còn giúp ca sĩ có thể lên được những note cao khi chưa đủ điều kiện để lên bằng giọng ngực hoặc giọng pha. Nó giống như một mẹo ca hát.
Nói đơn giản, nếu bạn muốn khoe giọng, thể hiện mình có giọng hát khỏe, cá tính trình diễn mạnh mẽ thì sử dụng kỹ thuật gằn giọng.
Cách gằn giọng đúng kỹ thuật
Để gằn giọng bạn cần bật hơi mạnh vào khoang miệng để tạo nên các luồng khí nén trong âm thanh. Các phần tử âm thanh này sẽ bắn ra ngoài với một lực mạnh có tần số lớn và độ bật cao. Đó là cách gằn giọng.
Tưởng tượng khoang miệng bạn giống như quả bong bóng, thanh quản là ống nước còn âm thanh là nguồn nước. Khi nguồn nước đẩy mạnh lên nhưng bị nghẽn lại bởi quả bong bóng, từ đó bóng bóng sẽ tạo nên áp suất lớn và với lực đẩy của nước phía dưới, quả bong bóng sẽ bắn ra ngoài.
Để gằn giọng tốt, bạn hãy thu hẹp thể tích khoang miệng của bạn lại rồi đẩy thật nhiều hơi lên. Khi lượng hơi bạn đẩy lên vượt qua thể tích khoang miệng đang bị thu hẹp sẽ tạo ra áp lực âm thanh thành gằn giọng.
Bạn có thể luyện tập hát gằn giọng với bài tập hát chữ “R” nhưng thay vì đặt lưỡi cong để bật chữ “R” ra trước thì hãy cố đẩy nó vào trong. Trong khi đó, hãy giữ cho miệng vẫn mở mà lưỡi không bị cong lên.
Hoặc bạn hãy thử ngậm miệng lại và gừ gừ cho đến khi lực bắn âm thanh mạnh dần lên.
Hãy luyện thở để có hơi thật khỏe, sau đó nén lại để bật lên mạnh khoang miệng. Âm thanh đập mạnh vào thành miệng mà phát ra ngoài.
Tham khảo ngay khóa học về hơi thở dể hiểu rõ nền tảng của giọng hát tại đây.
Một số lưu ý khi gằn giọng
- Không nên cố siết âm thanh ở cổ để bật mạnh ra khiến dây thanh đới bị ép rung nhiều quá mà bị tổn thương, dẫn tới mất giọng. Hãy thả lỏng cơ thể.
- Đừng nên mở mồm quá to như đang hát, khép hai hàm lại.
- Hãy đẩy âm thanh lên cao hơn một chút, ngay chỗ yết hầu.
- Luôn luôn giữ được cộng hưởng, nghĩa là bạn cần cảm nhận được độ vang ở vùng mặt nạ và yết hầu.
Các ca sĩ sử dụng kỹ thuật gằn giọng điển hình
Với một ca sĩ chuyên nghiệp, gằn giọng không chỉ là một kỹ thuật thanh nhạc mà còn phải biết xử lý nó tinh tế và cảm xúc.
Một số ca sĩ tiêu biểu:
Jennifer Holiday
Bà là một bậc thầy về gằn giọng. Bà có thể gằn liên tục với âm lượng lớn, độ đanh thép kịch tính, vững chãi như tảng núi, gằn từ quãng trung đến quãng cao.
Nhưng cũng chính việc lạm dụng gằn giọng khiến bà bị chê là “hát như đang rặn trên đỉnh Everest”, gây khó chịu cho người nghe. Nếu không có cổ họng của một giọng nữ trung kịch tính như Holiday, bạn không nên gằn theo cách của bà.
Yolanda Adam
Đa số các ca sĩ dòng Gospel đều có kĩ năng gằn giọng vô cùng điêu luyện, nội lực, như những quả bom. Yolanda Adam là một trong số đó.
Marion Williams
Đỉnh cao nhất trong việc xử lý kỹ thuật gằn giọng phải là Marion Williams, người có thể gằn liên tục từ C5 tới B5 mà vẫn cộng hưởng, sustain, ngân rung đều đặn, không có dấu hiệu mệt mỏi, cao thanh quản.
Chrtistina Aguilera
Chrtistina Aguilera cũng là một ca sĩ thường xuyên gằn giọng, có thể gằn trong từng âm tiết, từng câu hát, gằn đến ăn vào máu.
Tuy cách gằn của cô không chuẩn kỹ thuật, ép thanh quản nhiều, gây tác hại tới giọng hát, nhưng lại tạo ra hiệu quả âm nhạc cực kì tốt nhờ biết cách nhấn nhá.
Aretha Franklin
Với tư duy âm nhạc bậc thầy luôn biết gằn giọng đúng nơi, đúng chỗ kết hợp khả năng cảm nhạc tuyệt vời giúp bà nhận biết rõ chỗ nào nên gằn giọng, để tạo nên đỉnh điểm cảm xúc và sáng tạo, đậm chất soulful, dù bị cao thanh quản.
Whitney Houston
Tiếp thu từ Aretha, Whitney Houston đã vận dụng gằn giọng rất tinh tế vào nhạc pop, giúp cô tạo nên những cơn bão cảm xúc. Chính Whitney đã gợi cảm hứng rất nhiều cho các ca sĩ pop sau này sử dụng gằn giọng.
Whitney trong màn live này tuổi cao sức yếu, khó có thể belt lên D5, nhưng cô đã dùng gằn giọng để bật lên một cách dễ dàng.
Một số ca sĩ tiêu biểu tại Việt Nam sử dụng kỹ thuật gằn giọng
Ở Việt Nam, Siu Black và Phương Thanh là 2 ca sĩ nữ tiên phong sử dụng gằn giọng trong nhạc pop, giúp họ phô diễn giọng hát nội lực của mình.
Thu Minh cũng là ca sĩ biết cách gằn giọng đúng kỹ thuật, gằn trên quãng cao thoải mái, nội lực, tạo một phong cách trình diễn riêng có.
Cô còn biết dùng gằn giọng để nhảy lên những note cao vút tận B5 mà khi dùng mixed voice thông thường sẽ khó để giữ được đúng kỹ thuật, độ đẹp của giọng trên những nốt đó. Tuy nhiên, Thu Minh thường bị chê là lạm dụng gằn giọng.
Hồng Nhung trong vài năm gần đây cũng dùng gằn giọng để phô diễn nội lực và che lấp sự mất giọng của mình. Trong màn trình diễn sau, khi biết khó có thể duy trì vibrato nữa, cô đã chuyển sang gằn giọng, vừa che lấp khuyết điểm, vừa tạo ấn tượng.
Học từ Whitney Houston, Tùng Dương cũng có thể gằn giọng rất tốt.
Các ca sĩ trẻ Việt ngày nay cũng sử dụng kỹ thuật gằn giọng khá phổ biến, nhưng họ lại chưa biết cách dùng sao cho tinh tế, hấp dẫn, có nhạc tính. Điều cần thiết nhất vẫn là nghiên cứu về cách xử lý.
Vừa rồi là một số những điều cơ bản về kỹ thuật gằn giọng và một số ca sĩ tiêu biểu cho kỹ thuật này. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng quên chia sẻ và nhấn like nhé. Có bất kỳ câu hỏi nào hay đơn giản chỉ muốn đóng góp thêm ý kiến thì hãy để lại bình luận phía dưới nhé. Rất mong nhận phản hồi từ bạn.