Giới thiệu về các thể loại thanh nhạc phổ biến

0
102

Thanh nhạc là một loại hình nghệ thuật âm nhạc sử dụng giọng hát con người để thể hiện âm thanh và cảm xúc. Giọng hát, với sự phong phú về âm sắc, cao độ, cường độ và nhịp điệu, có khả năng truyền tải những thông điệp và cảm xúc mà lời nói không thể diễn tả được. Bài viết này VietVocal sẽ giới thiệu về các thể loại thanh nhạc phổ biến, giúp người đọc hiểu rõ hơn về thế giới âm thanh đa dạng và đầy màu sắc của loại hình nghệ thuật này.

1. Ca khúc

Ca khúc là danh từ được sử dụng để gọi những tác phẩm thanh nhạc khác nhau: Ca khúc dân ca và ca khúc của những nhạc sĩ chuyên nghiệp với vai trò thể hiện chủ yếu là giai điệu. Giai điệu của ca khúc là các giai điệu hoàn chỉnh, độc lập; thậm chí có thể sử dụng một nhạc cụ nào đó trình tấu vẫn chứa đựng ý nghĩa hoàn thiện của một tư duy âm nhạc.

Ca khúc được phân thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể:

1.1. Hành khúc 

Hành khúc là những ca khúc có nhịp độ vừa phải phù hợp với bước đi. Lối giai điệu gồm có nhiều quãng 4, quãng 5… và trường độ các âm hay sử dụng các nốt có chấm dôi,…  

gioi-thieu-ve-cac-the-loai-thanh-nhac-pho-bien-1
Hành khúc

Âm nhạc vang lên với tính chất mạnh mẽ như Tiến quân ca (Văn Cao), Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Tiểu đoàn Ba lẻ bảy (Nguyễn Hữu Trí), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho), Anh vẫn hành quân (Huy Du),Giải phóng miền Nam (Huỳnh Minh Siêng), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), …

1.2. Chính ca 

Chính ca là những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ như quốc ca, những bài ca chính thức của một tổ chức nào đó như của phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, sinh viên, học sinh,… 

Những bài hát ấy thường mang tính trang nghiêm với nội dung ngợi ca truyền thống hoặc có tính chất hiệu triệu, kêu gọi. Đường nét giai điệu và tiết tấu gần gũi cùng với ca khúc hành khúc nhưng lại thể hiện tính chất trang nghiêm nhiều hơn.

1.3. Ngợi ca

Ngợi ca là những ca khúc có tính chất suy tưởng, triết lí như các bài ca ngợi đất nước, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi anh hùng,… Tính chất âm nhạc thường biểu hiện sự trang nghiêm, đồng thời còn có tính trữ tình, ngâm ngợi, tự sự, kể chuyện,… 

Một số ca khúc ngợi ca có thể kể đến như Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Lưu Hữu Phước), Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương (Nguyễn Đức Toàn), Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), …

1.4. Trữ tình

Trữ tình là những ca khúc có giai điệu uyển chuyển, mềm mại. Nội dung của các bài ca ấy là những đề tài viết về phong cảnh của thiên nhiên, làng quê, thôn xóm, vẻ đẹp lao động, về tình yêu nói chung hoặc tình yêu lứa đôi,…. 

Những bài hát này có lối giai điệu ít những quãng nhảy xa, thường đi liền bậc hoặc lượn sóng; có tiết tấu dàn trải, tự do để cùng giai điệu tô đậm cho tính chất nhẹ nhàng, bay bổng ở trong cách biểu hiện. 

Một số ca trữ tình có thể kể đến như: Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), Quê em (Nguyễn Đức Toàn), Làng tôi (Văn Cao), Đường lên Tây Bắc (Văn An), Ngọn đèn đứng gác (Hoàng Hiệp), Tình em (Huy Du),  Tiếng hát anh tìm em (Hoàng Dương), Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn),…

1.5. Hát ru

Hát ru là những ca khúc có nhịp độ chậm, vừa phải; giai điệu thường được tiến hành liền bậc, không sử dụng những quãng nhảy xa liên tục, các biến âm đột ngột; tiết tấu nhịp nhàng và có tính chu kỳ hoặc tự do. 

Đó là các bài như: Khúc hát ru (Vĩnh Cát), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung), Lời ngọt ngào (Nguyễn Quỳnh Hợp), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý),…

1.6. Hò vè

Hò vè là những bài ca được mô phỏng theo âm điệu hoặc tiết tấu của những bài hò, vè ở trong âm nhạc dân gian. Có bài còn kế thừa lối cấu trúc theo điệu hò dân gian có vế xướng, vế xô để hình thành nên tác phẩm. 

Có thể điểm ra một số bài như: Hò đắp đường thống nhất (Tạ Phước, Tô Vũ), Mùa lúa chín (Hoàng Việt), Hò kéo gỗ (Lê Yên), Vè thắng giặc (Hoàng Vân), Thanh Hoá anh hùng (Hoàng Đạm),…

1.7. Ca khúc kết hợp với trò chơi

Ca khúc kết hợp cùng với trò chơi là những bài ca có nội dung cụ thể, vừa hát vừa có các động tác để biểu hiện nội dung. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc loại hình này để phục vụ cho tập thể bộ đội, dân công trong những giờ phút nghỉ ngơi, sau những giờ tập luyện, lao động phục vụ ở chiến trường; đồng thời còn đáp ứng cho những sinh hoạt vui chơi của các thanh thiếu niên. Những bài ca ấy thường có giai điệu dễ hát, dễ thuộc như Lửa rừng (Đỗ Nhuận), Lì và Sáo (Văn Chung),…

1.8. Ca khúc hài hước, trào phúng

Ca khúc hài hước, trào phúng là những bài ca có lời ca và âm nhạc kết hợp rất chặt chẽ thông qua những phương pháp diễn tả của âm nhạc để biểu hiện được nội dung. 

Giai điệu thường xuất hiện các quãng nhảy xa, đột ngột hoặc nói sai cùng với ngữ điệu bình thường và thường sử dụng đảo phách trong âm hình tiết tấu, tạo sự “hẫng, hụt” bất ngờ trong nhịp điệu,… 

Chúng ta có thể kể một số bài hát như: Thằng Bờm (Nguyễn Xuân Khoát), Chiếc xe lu (Huy Du), Con mèo mà trèo cây cau (Lê Yên), Đế quốc Mĩ là thân con ruồi (Trọng Bằng),….

2. Trường ca

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, giai đoạn từ năm 1946 – 1954 xuất hiện những bài ca có khuôn khổ dài, có cấu trúc khá đặc biệt như: Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Trận Đoan Hùng (Lê Yên – Lưu Quang Thuận), Sông Lô (Văn Cao),… và ở giai đoạn sau, trong những năm 60 của thế kỉ XX, Hoàng Vân đã sáng tác một số bài cũng ở dạng đó như: Người chiến sĩ ấy, Tôi là người thợ mỏ,…

Các bài ca ấy bao gồm nhiều phần tương phản nhưng giữa chúng vẫn có mối liên quan thống nhất chung ở trong tư duy âm nhạc.

3. Romance

Romance là các tác phẩm viết cho giọng hát có phần đệm của nhạc đàn, thường sẽ có khuôn khổ vừa phải. Hầu hết các nhà soạn nhạc ở trên thế giới từ cổ điển tới lãng mạn và hiện đại đều viết thể loại thanh nhạc này. 

Tên gọi romance có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha. Thoạt đầu có ý nghĩa là bài hát thế tục, đơn giản được hát bằng tiếng roman (Tức tiếng Tây Ban Nha) để phân biệt cùng với loại bài hát bằng tiếng La-tinh. 

Đầu thế kỉ XVI, danh từ romance để chỉ những ca khúc đơn ca có phần đệm đơn giản, phần lớn do cây đàn guitare đảm nhận. Đến thế kỉ XVIII, romance phổ biến ở một số nước châu Âu là các ca khúc trữ tình phần lớn viết về tình yêu. 

Sau này, các nhạc sĩ thế kỉ XIX đã làm phong phú cho thể loại romance về cả nội dung cũng như về mặt sáng tạo nghệ thuật. Ngoài tính trữ tình ca ngợi về tình yêu, romance còn có thể mô tả sự suy nghĩ trầm ngâm, những thứ tình cảm đau thương, ôn lại những kỉ niệm xa xưa hoặc tình yêu đối với thiên nhiên.

Romance thường có cấu trúc với hình thức ba đoạn đơn, hai đoạn đơn. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể gặp những bài có cấu trúc phức tạp hơn.

4. Hợp ca

Hợp ca là một trong những loại hình của thanh nhạc, bao gồm từ hai giọng hát trở lên, có tên gọi là:

  • Song ca (duo): hợp ca 2 giọng hát.
  • Tam ca (trio): hợp ca 3 giọng hát.
  • Tứ ca (quatuor): hợp ca 4 giọng hát và có các loại hợp ca 5, 6 đến 7 giọng hát.
gioi-thieu-ve-cac-the-loai-thanh-nhac-pho-bien-2
Thể loại hợp ca

Khác với kịch nói, trong nhạc kịch một số nhân vật trong cùng một thời điểm có những tình cảm, ý nghĩ khác nhau nhưng trình diễn cùng lúc. Người nghe không những có khả năng cùng lúc tiếp thu quá nhiều giai điệu mà còn phân tích được mối quan hệ giữa những giai điệu ấy với nhau.

Hợp ca luôn có phần đệm của nhạc đàn và những tác phẩm ấy được viết cho từng loại giọng nhất định.

5. Hợp xướng

Hợp xướng là tác phẩm thanh nhạc có nhiều bè, mỗi bè sẽ do các ca sĩ cùng một loại giọng trình bày. Nó là tiết mục ở trong nhạc kịch, thanh xướng kịch, đồng thời còn là những tác phẩm độc lập.

Hợp xướng hình thành từ sinh hoạt âm nhạc dân gian của các dân tộc khác nhau trên thế giới, mà đơn giản nhất là cách hát một bè, còn gọi là hợp xướng đồng âm. Song song với lối hát một bè, cho tới nay vẫn lưu giữ trong sinh hoạt tập thể lối hát hợp xướng nhiều bè do các ca sĩ dân gian sáng tác.

Đặc điểm trội bật của hợp xướng đã tạo ra khả năng biểu hiện tư tưởng và tình cảm của quần chúng là tiếng nói của đám đông. Do vậy, hợp xướng trong nhạc kịch được coi là một phương tiện biểu hiện tạo tính kịch đối với thính giả.

Hợp xướng được phân chia thành nhiều loại: hợp xướng nam, hợp xướng nữ, hợp xướng hỗn hợp (bao gồm cả giọng nam và giọng nữ), hợp xướng trẻ em, hợp xướng không nhạc đệm (a capella).

  • Hợp xướng nam cùng với âm thanh đầy đặn tạo tính kịch mạnh mẽ, thường dùng trong những trường hợp tạo không khí trang nghiêm, kiên nghị hùng tráng.
  • Hợp xướng nữ hay sử dụng để miêu tả những cảm xúc tươi mát, nhẹ nhàng và ấm cúng.
  • Hợp xướng hỗn hợp bao gồm các loại giọng hát của nam và nữ tạo ra màu sắc phong phú để giúp biểu hiện nhiều nội dung hình tượng âm nhạc đa dạng.
  • Hợp xướng trẻ em thường thể hiện cảm xúc, suy nghĩ phù hợp với lứa tuổi góp phần tạo nên các màu sắc, tình huống trong cuộc sống hồn nhiên của các em nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung.
  • Hợp xướng không nhạc đệm là một loại hình chỉ sử dụng giọng hát để thể hiện các hình tượng âm nhạc khác nhau. 

Hợp xướng là một kiểu hình thanh nhạc có khả năng đề cập đến nhiều vấn đề lớn trong xã hội. Nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác hợp xướng để biểu hiện tâm tư, tình cảm.

Những ca khúc hợp xướng thành công tại nước ta như: Sóng Cửa Tùng (Doãn Nho), Dưới ánh sao vàng (Vân Đông), Đông Nam Á châu (Lưu Hữu Phước), Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc), Biết mấy tự hào Việt Nam Tổ quốc ta (Phạm Đình Sáu), Thề quyết bảo vệ Tổ quốc (Huy Du),…

Thanh nhạc là một loại hình nghệ thuật độc đáo và đầy sức biểu cảm. Khám phá các thể loại thanh nhạc là một hành trình thú vị giúp bạn mở rộng tâm hồn, bồi dưỡng cảm xúc và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc. Hãy tiếp tục khám phá thế giới âm thanh đầy diệu kỳ này, để cảm nhận được sức mạnh lay động lòng người của thanh nhạc và để cuộc sống của bạn thêm phong phú và ý nghĩa hơn.

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 1 Trung bình: 5]
Banner khóa học
Bài trướcNhạc Epic là gì? Tìm hiểu về thể loại âm nhạc đầy cảm hứng
Bài tiếp theoKhí nhạc là gì? Khám phá thế giới âm thanh diệu kỳ của khí nhạc