Vị trí âm thanh là gì? Tìm hiểu cổng hưởng tại một số vị trí

0
7274

Vị trí âm thanh là gì? Có bao nhiêu vị trí và làm cách nào để tìm được Vocal Placement đúng? Cùng VietVocal tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Vị trí âm thanh là một khái niệm tương đối khó hiểu đối với những người mới bắt đầu học nhạc. Hiểu sai hoặc thực hành sai khi đặt Vocal Placement khi hát sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh và sức khỏe của người hát. Hiểu được điều đó, ngay bây giờ VietVocal sẽ cùng các bạn tìm hiểu về chủ đề này.

Vị trí âm thanh (Vocal Placement) là gì?

Vocal Placement là khái niệm chỉ vị trí tập trung âm thanh, làm định hướng cho việc hướng âm khi hát. Nó giống như có một điểm mà ở đó bạn tưởng tượng được hướng âm thanh thoát ra và có sự cộng minh sáng, tốt nhất. Vậy nên mỗi chúng ta phải tự tìm cho mình 1 Vocal Placement như vậy trong quá trình học thanh nhạc.

vị trí âm thanh là gì
Vocal Placement là khái niệm chỉ vị trí tập trung âm thanh

Khi hiểu được cơ chế và đặt đúng âm thanh khi hát, bạn sẽ có thể khai thác tối đa lợi ích từ các khoảng vang trong cơ thể. Cụ thể như chỉ cần hát với âm lượng hơi nhỏ mà âm lượng phát ra lại lớn, vang, chắc khỏe, âm sắc sáng.

Khi hát, các ca sĩ có thể kết hợp 2 vị trí âm thanh cùng một lúc. Ví dụ như Placement nên đặt ở xoang mặt và ngực khi hát các nốt trầm, đặt ở xoang mặt và đỉnh trán khi thực hiện các nốt light mix (hát pha nửa giọng).

Cách tìm vị trí âm thanh đúng

Như VietVocal đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc đặt đúng vị trí âm thanh khi hát là rất quan trọng. Nếu bạn muốn nâng cao kỹ năng ca hát của mình, bạn nên tìm vị trí đặt âm thanh lý tưởng – vị trí mà bạn có thể xác định được cảm giác cộng hưởng của mình.

Vậy làm thế nào để tìm Vocal Placement đúng, đó chính là khám phá các vị trí thông qua cảm giác khi hát. Vì vị trí âm thanh là một cảm giác, nên bạn nên nhận biết Vocal Placement bạn cảm thấy thoải mái nhất. 

vị trí âm thanh là cảm giác
Khám phá vị trí âm thanh thông qua cảm giác khi hát

Mỗi người sẽ có một vùng cộng hưởng thoải mái nhất khi hát. Ví dụ như một số ca sĩ cảm thấy rằng vùng cộng hưởng của họ nằm trong mặt nạ hoặc vùng mũi của họ. Hầu hết các ca sĩ cũng cảm thấy rằng các nốt cao của họ đạt được tốt nhất khi đặt âm vang lên đến đầu,… 

Vậy nên bạn hoàn toàn có thể thử chọn đặt vị trí cộng hưởng âm thanh của mình trên đầu, miệng, ngực, mũi hoặc ở giữa bất kỳ vùng cộng hưởng nào trong số này. Từ đó bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất!

Tìm hiểu cổng hưởng tại 1 số vị trí đặt âm thanh

Sau đây VietVocal sẽ liệt kê các vị trí âm thanh thường được sử dụng. Ngoài ra sẽ có các bài tập cụ thể để bạn có thể tìm ra cảm giác của từng vị trí này.

Khoang ngực

Khi hát các nốt thấp, bạn thường cảm nhận được sự rung động ở lồng ngực. Điều này được lý giải là do thanh quản bị hạ xuống thấp và khí quản cùng tham gia rung động. Do khí quản khá dài, có tiết diện khá rộng và chứa khí ở trong nên sự rung động của khí quản thường xảy ra đối với những nốt thấp.

Để cảm nhận được vị trí đặt âm thanh này, bạn cần thả lỏng cằm và hạ xuống một chút. Kết hợp thả lỏng cơ cổ, đẩy hộp dây thanh xuống dưới để nó trượt đi mà không gặp cản trở.  

Bạn có thể bài tập âm “i” và “a” hát nối liền nhau. Đây là bài tập giúp bạn dễ dàng tìm ra vị trí rung động ở ngực khi hát nốt trầm.

Khoang miệng

Bạn có thể dễ dàng cảm nhận vị trí âm thanh tại khoang miệng hướng ra ngoài khi đọc những nguyên âm mở, ví dụ như âm “a”.

Khi đặt Vocal Placement tại đây, âm thanh dễ thoát ra với âm lượng lớn, có lực, dày và khỏe. Tuy nhiên do thiếu đi sự hỗ trợ của khoang mũi và những xoang khác trong hộp sọ nên gặp khó khăn khi hát nốt cao. Ngoài ra còn dễ mắc phải thói quen tống hơi khi hát, khiến giọng hát bị tổn thương do dùng lực quá nhiều.

Bài tập âm “GA” sẽ  giúp bạn dễ dàng tìm ra vị trí rung động ở khoang miệng. Trong đó âm “G” buộc bạn nâng vòm mềm rồi bật xuống đột ngột, nên bạn sẽ sử dụng được khoang miệng nhiều hơn các âm khác. Hãy đọc hoặc hát câu hát với âm “Ga” để ghi nhớ cảm giác rồi ghép lời bài hát để cảm nhận nhé!

Khoang mũi 

Vocal Placement thường gặp tiếp theo VietVocal muốn giới thiệu đến bạn chính là khoang mũi. 

Âm thanh ở khoang mũi được các ca sĩ sử dụng để tạo màu sắc đặc biệt cho một số phần trong bài hát. Tuy nhiên do âm thanh bị tù bí, hạn chế âm lượng, lực hát yếu nên dễ gây khó khăn cho người hát và sự khó chịu cho người nghe. Khá nhiều bạn do lạm dụng vị trí này dẫn đến gặp tình trạng hát dính mũi – Nasal voice.

vị trí âm thanh tại khoang mũi
Vị trí âm thanh tại khoang mũi

Với những bạn chưa biết cách đặt Vocal Placement tại khoang mũi, Humming chính là bài tập giúp bạn tìm được cảm giác này. 

Bài tập Humming giúp bạn kéo căng dây thanh âm, thư giãn cơ mặt và cải thiện nhịp thở. Humming cũng phát triển độ cộng hưởng giọng hát và chất lượng âm thanh của bạn. Để thực hành bài tập này, bạn hãy thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Đóng khoang miệng lại, thư giãn cơ mặt và cơ thể của bạn

Bước 2: Hướng, đẩy làn hơi lên mũi, thở ra vài cái để quen với hành động hạ vòm mềm, dẫn hơi vào khoang mũi.

Bước 3: Bắt đầu tạo ra âm “hmmm” nhẹ nhàng, và đẩy dần âm lượng lên tùy nhiên đừng cố quá mức. Bạn hãy đảm bảo âm thanh có âm lượng tương đối nhưng cơ má, cơ cổ, và thanh quản thả lỏng, không căng thẳng.

Bạn có thể luyện tập bài tập này qua các bài hát yêu thích. Hãy cảm nhận sự rung động ở hai bên gò má và mũi, đó chính là tín hiệu cho biết bạn đã làm đúng bài tập này rồi đấy!

Lưu ý: Khoang mũi tham gia trợ giúp cho cộng hưởng của bạn. Tuy nhiên bạn phải kết hợp cùng khoang miệng để âm thanh được khỏe, vang và cân đối. Hãy nhớ rằng chỉ khi cần tạo màu sắc ở một số đoạn trong bài hát, bạn mới sử dụng khoang mũi chứ đừng quá lạm dụng. Như vậy sẽ khiến phần hát của bạn bị một màu, âm thanh thiếu lực, nghẹt suốt cả bài.

Twang (Đằng sau hầu họng hẹp)

Vị trí thường được sử dụng để kết hợp với vị trí khoang mũi, hoặc vị trí mặt nạ. Đặt Vocal Placement tại Twang sẽ tạo cảm giác ở đằng sau hầu họng, lúc này hầu họng khá hẹp. Phần sau cuống lưỡi được nâng cao, kết hợp với thanh quản cao hơn.

Âm thanh ở vị trí Twang thường sáng, đanh và dễ dàng tạo âm lượng lớn. Nhờ vậy khá dễ để bạn tiếp cận các nốt cao. Tuy nhiên có nhiều lúc âm thanh sẽ khá là chói, mất độ ấm và tình cảm của người hát.

Bài tập âm “Nhe” là bài tập VietVocal gợi ý cho bạn để tìm được vị trí âm thanh Twang. Vì phụ âm “nh” bắt buộc bạn phải nâng cao cuống lưỡi, và âm “e” giúp làm hẹp hầu họng để tạo Twang dễ hơn.  

Vùng mặt nạ (mask) – hai bên gò má và sóng mũi 

Trong thanh nhạc, xoang mặt (vị trí 16 trong hình phía trên) chính là nơi đặt Vocal Placement tốt nhất. Việc đặt vị trí âm thanh tại các nơi khác như cổ, mũi, hàm sẽ khiến cho support đúng nghĩa không xuất hiện và dễ gây căng thẳng khi hát.

Như VietVocal đã chia sẻ ở trên, vị trí mặt nạ thường được kết hợp cùng vị trí khoang mũi và Twang. Âm thanh tại vị trí này có độ sáng, rõ và đanh nên rất dễ để tiếp cận nốt cao. Tuy nhiên cũng như vị trí tại Twang, âm thanh có độ chói, gắt nhất định.

Để tìm được Vocal Placement tại vùng mặt nạ, VietVocal gợi ý bạn nên luyện tập với âm “NG”. Sau khi đã quen với cảm giác đó rồi, bạn có thể chuyển dần từ âm “NG” sang  âm “Nga” để tạo cân bằng với khoang miệng.

Đỉnh đầu

Vị trí âm thanh tại đỉnh đầu đặc biệt được khuyến khích sử dụng trong nhạc cổ điển ở những nốt rất cao. 

vị trí âm thanh tại đỉnh đầu
Vocal Placement tại đỉnh đầu

Để cảm nhận được vị trí này khá đơn giản. Nó giống như cảm giác khi bạn đang ăn mừng, hú lên mỗi khi cổ vũ cho đội bóng yêu thích vậy. Ngoài ra thử hú lên như tiếng của chim cú cũng là một cách hay. 

Vừa rồi là bài viết tìm hiểu về Vị trí âm thanh trong thanh nhạc VietVocal gửi đến bạn. Hãy nhớ rằng để tìm ra được Vocal Placement thích hợp với mình cần trải qua thời gian dài thử nghiệm, luyện tập và suy nghĩ. Hãy biết sử dụng và kết hợp các vị trí âm thanh với nhau để thể hiện bài hát tốt nhất!

Bạn có thể tham khảo các khóa học thanh nhạc của VietVocal TẠI ĐÂY. Hãy đăng ký tham gia học thanh nhạc tại VietVocal để cảm nhận sự cải thiện trong giọng hát của mình!

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 12 Trung bình: 4.9]
Banner khóa học
Bài trướcTổng hợp những ký hiệu âm nhạc cơ bản thường gặp trong một bản nhạc
Bài tiếp theoHướng dẫn tư thế đúng chuẩn khi hát