Bạn có biết, việc hiểu và đọc được các ký hiệu âm nhạc cơ bản là một trong những bước quan trọng trong quá trình học nhạc không?
Chắc hẳn với lần đầu tiên tiếp xúc một bản nhạc, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác “chóng mặt” bởi những ký hiệu âm nhạc đúng không nào? Hiểu được điều đó, VietVocal sẽ cùng các bạn tìm hiểu và nắm chắc các ký hiệu âm nhạc cơ bản thường gặp nhất qua bài viết này.
Mục lục
Ý nghĩa của các ký hiệu trong âm nhạc
Ngược dòng lịch sử, âm nhạc là sáng tạo vĩ đại nhất của loài người. Đó là một phần quan trọng trong cuộc sống, là cách thể hiện tình cảm cũng như cảm xúc của chúng ta.
Những ký hiệu âm nhạc dần xuất hiện sau đó. Đó là cách chúng ta ghi lại âm thanh từ những ký hiệu cơ bản về cao độ, trường độ và nhịp điệu. Cho tới những ký hiệu phức tạp hơn về âm sắc và thậm chí cả những hiệu ứng đặc biệt.
Là ngôn ngữ riêng của “âm nhạc”, những ký hiệu giúp chúng ta đọc và hiểu được những cung bậc cảm xúc mà tác giả muốn truyền đạt qua tác phẩm.
Các ký hiệu âm nhạc cơ bản là nền tảng quan trọng trong quá trình làm quen với âm nhạc của bạn. Sau đây, VietVocal sẽ chia sẻ các ký hiệu âm nhạc cơ bản thường gặp nhất. Nào, chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Các ký hiệu âm nhạc bằng chữ cái
Loại ký hiệu đầu tiên VietVocal muốn giới thiệu với các bạn chính là Các ký hiệu âm nhạc bằng chữ cái.
Trong âm nhạc, người ta dùng cách thức ký hiệu các nốt nhạc (các bậc âm) bằng chữ cái dựa trên bảng chữ cái Latin. Các bậc cơ bản được ký hiệu như sau:
Do – C
Re – D
Mi – E
Fa – F
Sol – G
La – A
Si – B/H
Lý giải cho cách sắp xếp các ký hiệu như trên. Do âm La có tần số 440Hz ở quãng tám thứ nhất được xem là âm mẫu trong hệ thống các âm cơ bản. Vì vậy, âm La được ký hiệu bằng chữ A (chữ cái đầu trong bảng chữ cái).
Ngoài ra, một số quốc gia như: Đức, Nga… lại ký hiệu âm Si là chữ H, còn chữ B để ký hiệu cho âm Si giáng.
Các ký hiệu âm nhạc bằng nốt nhạc
Các ký hiệu ghi trường độ
Nốt nhạc được sử dụng để xác định trường độ của âm thanh. Chúng có hình dạng là một hình bầu dục đặc ruột hoặc rỗng, có đuôi hoặc không có đuôi. Mỗi nốt tương ứng với số nhịp khác nhau và những nhạc sĩ sẽ dùng nó để ký âm vào những bản nhạc.
Nốt nhạc sẽ tương ứng với số nhịp sẽ chơi và dấu lặng sẽ tương ứng số nhịp sẽ nghỉ.
Các ký hiệu liên quan đến khuông nhạc
Có thể hiểu khuông nhạc chính là nơi để tất cả các nốt nhạc, các ký hiệu có thể đặt lên đó. Cùng tìm hiểu một số ký hiệu liên quan đến khuông nhạc ngay sau đây:
Khuông nhạc (Stave/Staff):
Khuông nhạc là một tập hợp 5 đường ngang và 4 khoảng trắng (gọi là Khe). Các dòng được đánh số 1- 5 bắt đầu từ dòng dưới cùng. Các khoảng trắng được đánh số từ 1- 4 bắt đầu bằng khoảng trống dưới cùng.
Mỗi dòng và khoảng trống của khuông nhạc tương ứng với một cao độ âm nhạc. Và các cao độ này được xác định trên một khuông nhạc khi có sự có mặt của các Khóa Nhạc (Cleff).
Tại Anh, từ “Stave” được người ta chuộng sử dụng để chỉ khuông nhạc hơn.
Dòng kẻ phụ (Ledger Line)
Dòng kẻ phụ chính là cách để nhạc sĩ viết những nốt nhạc nằm ngoài khuông nhạc.
Vị trí của các dòng kẻ phụ bên trên hoặc bên dưới khuông nhạc. Điều đó tuỳ vào cao độ của nốt nhạc mà người viết nhạc muốn thêm vào.
Vạch nhịp (Bar Line)
Nếu khuông nhạc là tập hợp 5 đường kẻ ngang thì vạch nhịp là các đường kẻ dọc có công dụng chia bản nhạc thành nhiều ô (Mỗi ô được gọi là Ô nhịp – Bar/Measure).
Muốn biết một ô nhịp chứa bao nhiêu phách, chúng ta sẽ dựa vào số chỉ nhịp (Time Signature).
Ký hiệu kết thúc
Để đánh dấu bản nhạc đến đây là phải dừng lại (Hết bài), ký hiệu kết thúc đã được các nhà viết nhạc sử dụng. Ký hiệu này gồm 2 vạch kẻ, một thanh và một đậm.
Các ký hiệu liên quan đến khóa nhạc
Khóa nhạc còn được biết tới với tên gọi khác là chìa nhạc hay chìa khóa nhạc. Ký hiệu này được đặt ở đầu khuông nhạc để xác định tên những nốt nhạc trên khuông.
Có 3 loại khóa thường được sử dụng là khóa Sol, khóa Fa và khóa Đô.
Khóa Sol (treble clef):
Khóa Sol còn được gọi là ‘G-clef’. Điều này là do đường cong trong khóa đàn bao quanh đường thứ hai của khuông nhạc, có hình dạng giống chữ G. Đây là khóa nhạc thường gặp nhất so với tất cả các khóa nhạc còn lại.
Khóa Sol được bắt đầu từ dòng kẻ thứ hai của khuông nhạc. Khóa Sol xác định độ cao của nốt Sol ở tầng quãng tám thứ nhất nằm trên dòng kẻ thứ hai.
Khóa Sol được sử dụng bởi các loại nhạc cụ có thanh âm cao hơn, như sáo, violin và kèn. Các thanh ghi cao hơn của đàn piano cũng được dùng với khóa Treble. Đối với những nghệ sĩ piano mới bắt đầu, các nốt nhạc trên khóa treble sẽ được chơi bằng tay phải.
Khoá Fa (Fa Clef)
Tên của khóa nhạc này xuất phát từ nốt nằm trên dòng kẻ nằm giữa hai dấu chấm chính – Nốt Fa.
Khóa Fa – F-Clef được bắt đầu từ dòng kẻ thứ tư trên khuông nhạc. Khóa Fa xác định độ cao của nốt Fa ở tầng quãng tám nhỏ nằm trên dòng kẻ thứ tư.
Khóa này viết cho những những nốt thấp, trầm và thường xuất hiện một cặp với Khóa Sol. Cả hai đại diện cho các nốt cao và trầm trong âm nhạc.
F-Clef được sử dụng bởi các nhạc cụ có thanh ghi thấp hơn như cello, trombone hoặc bassoon. Các thanh ghi thấp hơn của đàn piano được dùng trong khóa bass. Đối với những nghệ sĩ piano mới bắt đầu, các nốt trên phím đàn bass sẽ được chơi bằng tay trái.
Khoá Đô (Alto/Tenor Clef):
Có khá nhiều loại khóa Đô. Trong đó khóa Đô Alto và Khóa Đô Tenor được sử dụng nhiều nhất.
Khi khóa Đô (C-Clef) được đặt ở dòng kẻ thứ ba của khuông nhạc, nó có tên gọi là khóa Alto Clef. Nếu khóa Đô tại dòng thứ tư của khuông nhạc, tên của nó sẽ là là khóa Tenor Clef.
Khóa nhạc được viết dành cho các nhạc cụ có âm khu trung như Viola, Cello, Trombone,…
Các ký hiệu liên quan đến dấu hóa
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những ký hiệu liên quan đến dấu hóa nhé:
Dấu thăng (Sharp)
Dấu thăng có tác dụng tăng cao độ của nốt nhạc đứng trước nó lên 1/2 cung.
Dấu giáng (Flat)
Ngược lại với dấu thăng, dấu giáng có tác dụng giảm cao độ của nốt nhạc đứng trước nó 1/2 cung.
Dấu bình (Natural)
Dấu bình có tác dụng hủy bỏ công dụng của dấu thăng hoặc dấu giáng trước đó.
Dấu thăng kép (Double Sharp)
Dấu thăng kép có tác dụng tăng cao độ của nốt nhạc đứng trước nó lên 2 lần 1/2 cung – Tương đương với 1 cung.
Dấu bình kép (Double Flat)
Ngược lại với dấu thăng kép, dấu bình kép có tác dụng giảm cao độ của nốt nhạc đứng trước nó 2 lần 1/2 cung – Tương đương với 1 cung.
Ký hiệu âm nhạc đặc biệt
Cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu 4 ký hiệu âm nhạc đặc biệt là Staccato, Dấu chấm dôi, Dấu mắt ngỗng và Nốt hoa mỹ nhé!
Staccato
Khi nhắc đến Staccato, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay tới kỹ thuật hát nảy đúng không nào?
Ký hiệu Staccato có hình dạng là một nốt nhạc có dấu chấm ở trên đầu. Và khi gặp phải nó, các bạn buộc phải hát nốt đó nảy hơn các nốt còn lại.
Nói một cách dễ hiểu, bạn sẽ phải hát hoặc chơi gọn nốt đó lại nhưng không làm tăng tốc độ của bài nhạc lên.
Dấu chấm dôi (Dotted Note)
Cũng là dấu chấm, nhưng ký hiệu dấu chấm dôi là nốt nhạc có dấu chấm nằm kế bên.
Ký hiệu dấu chấm dôi có tác dụng là kéo dài thêm trường độ của một nốt tương đương với một nửa giá trị của nốt đứng trước nó.
Dấu mắt ngỗng (Fermata)
Đúng với tên gọi của mình thì ký hiệu này giống như đôi mắt của con ngỗng vậy. Bạn có thể ngân dài tùy thích một nốt nhạc khi dấu này xuất hiện ở trên nốt nhạc đó.
Nốt Hoa Mỹ (Grace Note/Acciaccatura)
Bởi vì nốt hoa mỹ có trường độ rất ngắn, vậy nên khi hát hoặc chơi nhạc cụ chúng ta sẽ chỉ lướt qua và tập trung chủ yếu ở nốt đi chung với nó.
Có thể bạn quan tâm: Kiến thức nhạc lý cơ bản cho người mới bắt đầu
Vừa rồi là bài viết về các ký hiệu âm nhạc cơ bản thường gặp. Nếu bạn còn có thêm những câu hỏi hoặc chủ đề cần giải đáp, hãy để lại thêm dưới phần bình luận cho VietVocal nhé!. Rất mong nhận sự góp ý và phản hồi từ bạn.
Bạn có thể tham khảo các khóa học thanh nhạc của VietVocal TẠI ĐÂY. Hãy đăng ký tham gia học thanh nhạc tại VietVocal để cảm nhận sự cải thiện trong giọng hát của mình!