Cảm âm về mức độ cơ bản nhất là việc cảm nhận được âm thanh và những tính chất của nó. Vậy chính xác cảm âm là gì?
VietVocal thường nhận được rất nhiều phản hồi từ học viên về việc muốn học nhạc hay sáng tác thì cần phải có CẢM ÂM? Điều đó có thực sự đúng hay không? Trong bài viết này, các bạn học viên hãy cùng VietVocal tìm hiểu loại những loại khả năng cảm âm và những thông tin thú vị về cảm âm nhé!
Mục lục
Cảm âm là gì?
Định nghĩa cảm âm thực ra rất đơn giản. Khi bạn nghe một bản nhạc mới, ngay lập tức bạn biết được bài hát đó đang được chơi ở tông nhạc nào, gồm những hợp âm gì, các nốt nhạc trong bài là gì. Hoặc khi bạn chơi một loại nhạc cụ nào đó, bạn có khả năng nghe và cảm nhận được mình có bị lạc tông, sai nốt chỗ nào không. Đó chính là khả năng cảm âm đấy!
Mỗi người sinh ra luôn có khả năng cảm âm. Thế nhưng không phải ai cũng sở hữu kỹ năng cảm âm giỏi như nhau, đặc biệt hơn ở những bạn mới học nhạc sẽ cần phải dành nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng này.
Có 2 loại khả năng cảm âm tự nhiên là Relative pitch và Perfect pitch.
Cảm âm tương đối (Relative pitch)
Đây là loại cảm âm của đại đa số những người bình thường. Relative pitch (Cảm âm tương đối) nghĩa là để xác định 1 note bất kì là gì, bạn phải nghe 1 nốt cột mốc bất kì trước (reference note) để nhận ra nốt đó hoặc khoảng cách giữa nốt đó và nốt cột mốc. Tất nhiên để làm được điều đó bạn sẽ luôn cần có 1 nhạc cụ hoặc một thiết bị để xác định cao độ của nốt.
Nhiều người vẫn lầm tưởng Relative pitch là “năng khiếu” nhưng sự thật nó chỉ là một trong những kỹ năng tự nhiên liên quan âm nhạc của con người. Và đã là kỹ năng rồi thì bạn cần phải dành thời gian luyện tập, rèn dũa để cải thiện khả năng cảm âm của mình.
Cao độ tương đối nếu luyện tập đúng cách và lâu dài thì có thể đạt cao độ gần như tuyệt đối.
Cảm âm tuyệt đối (Perfect pitch)
Trong âm nhạc, Perfect pitch (Khả năng cảm âm hoàn hảo) được hiểu đơn giản là khả năng của một người không cần bất cứ nhạc cụ hay nốt cột mốc nào, họ vẫn có thể xác định cao độ nốt bất kì khi nghe, và hát hoặc đàn lại chính xác cao độ của nốt đó. Đây là 1 loại tài năng thiên bẩm chỉ xuất hiện theo tỷ lệ 1/10,000 và chỉ có khoảng 4% sinh viên các trường nhạc sở hữu khả năng này.
Thông thường, Perfect pitch sẽ dễ thấy ở người khiếm thị hơn bởi khi mất đi đôi mắt, sự tập trung của họ dành cho đôi tai sẽ cao gấp nhiều lần người bình thường. Có thể nói, đây là một khả năng cực kỳ lợi thế cho bất cứ ai có mong muốn hoạt động trong ngành nghệ thuật âm nhạc.
Khuyết điểm của Perfect pitch là sẽ rất khó để transpose, khi họ nhìn vào sheet note rê là note rê, nếu kêu họ nhìn rê mà đánh đô là họ cực kì khó chịu, đồng thời các nhạc cụ bị lạc chưa lên dây cũng gây khó chịu với họ. Một số nhạc sĩ thời kỳ cổ điển như Beethoven bị điếc nhưng do có perfect pitch nên họ vẫn có thể sáng tác được và hay vì trong đầu họ dường như đã có luôn 1 cây piano trong đó rồi.
Hiện nay, Diva Mariah Carey & Charlie Puth là 2 ca – nhạc sĩ hiếm hoi của nền âm nhạc đại chúng còn sống được chứng minh là có sở hữu khả năng này khi rất nhiều lần, họ có thể xác định cao độ nốt nhạc bất kỳ vô cùng chuẩn xác mà không cần phải nhờ đến thiết bị hay nhạc cụ nào hỗ trợ.
Hội chứng Tone-deaf – “điếc nốt nhạc”
4% dân số thế giới bị AMUSIA – Hội chứng Tone-deaf (Điếc nốt nhạc)
Đây là 1 dạng rối loạn nhận thức xuất hiện chủ yếu như một khiếm khuyết trong quá trình xử lý cao độ và khả năng ghi nhớ âm nhạc nói riêng cũng như âm thanh nói chung.
Người mắc phải Amusia thường sẽ có những triệu chứng từ nhẹ (Không thể nhớ được các giai điệu quen thuộc, dễ nghe và không phát hiện được các trường đoạn bị sai Tone, lạc nhịp,…) cho đến nặng (Không thể nắm bắt được cao độ bài hát, mất khả năng nhận thức các ký hiệu âm nhạc cơ bản nhất như Đồ Rê Mi Fa Sol La Si,…). Thế nhưng, ở 1 số người nó còn nghiêm trọng đến mức họ có thể vĩnh viễn mất đi khả năng nói – hát cũng như khả năng biểu đạt và tiếp thụ âm thanh.
Một số sự thật thú vị sau đây về hội chứng này:
- Mắc chứng điếc âm không có nghĩa là bạn có giọng hát dở bẩm sinh, nhưng điều này cho thấy bạn gặp khó khăn trong việc hát đúng giai điệu của bài hát.
- Tương tự, dù bạn gặp khó khăn trong việc điều khiển giọng hát thì cũng không có nghĩa là bạn bị điếc âm. Một giọng hát hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và đôi khi điều này chỉ đơn giản là bạn cần luyện thêm về cách điều khiển giọng.
- Một số người mắc phải chứng điếc âm, nghĩa là không có khả năng cảm nhận được cao độ của âm thanh. Nhiều bài kiểm tra điếc âm trên mạng có thể giúp bạn nhận biết mình có gặp khó khăn trong việc cảm nhận và hát đúng tông không.
Bạn có thể truy cập https://www.nidcd.nih.gov/tunestest/take-distorted-tunes-test để kiểm tra. Đa phần các bài kiểm tra điếc âm trên mạng đều bao gồm các đoạn clip ngắn trích từ các bài hát hoặc giai điệu nổi tiếng. Người làm bài kiểm tra sẽ nghe đoạn clip, sau đó chỉ ra các nốt được chơi đúng hay sai.
Cách luyện tập khả năng cảm âm
Đại đa số chúng ta đều có CẢM ÂM TỰ NHIÊN và nó có thể hoàn toàn luyện được bằng EAR TRAINING (LUYỆN CẢM ÂM). Sau đây, VietVocal sẽ chỉ cho bạn cách để luyện tập cảm âm hiệu quả.
Nắm vững kiến thức nhạc lý
Nhạc lý thường khô khan và máy móc, đó là lý do khiến nhiều bạn mới học nhạc cảm thấy nhàm chán và không tiếp thu bài hiệu quả. Nhưng lý thuyết âm nhạc là nền tảng của ngôi nhà âm nhạc đồ sộ mà bạn đang cố gắng chinh phục.
Lý thuyết âm nhạc cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về nốt nhạc là gì, cao độ là gì, hợp âm, âm điệu là gì, v.v … Để có thể chơi một bản nhạc và cảm nhận trọn vẹn bài hát, trước tiên bạn phải nắm vững những kỹ năng này đủ để kết hợp chúng với nhau một cách vững chắc.
EAR TRAINING hầu hết các trường đều dạy nhạc cổ điển vì đây là một trong những kỹ năng cơ bản của Musicians; Người nước ngoài gọi đại khái là Basic Musicianship. Bốn kỹ năng bao gồm: Ear Training (luyện cảm âm), Sight singing (luyện xướng âm), Music theory & Harmony (lý thuyết nhạc và lý thuyết hòa âm), Rhythm training. Thông thường, 3 kỹ năng Ear Training + Sight Singing + Rhythm Training được liên kết chặt chẽ và dạy cùng nhau.
Tập chơi nhạc cụ hoặc tham gia lớp học hát, sáng tác
Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì khả năng cảm âm tốt cùng với việc luyện tập sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chơi đàn và ca hát. Nhiều người xướng âm, hát lệch tông vì chưa được luyện cách nhìn quãng nhảy, không hình dung được hoặc nhớ được cao độ nó thế nào, các bạn thanh nhạc không có cảm âm tốt sẽ không hiểu bài nhanh, hát sẽ không chuẩn cao độ không chắc,…
Về nguyên tắc chung, cũng giống như học đàn, luyện tai càng sớm thì càng tốt và càng tốt. Đôi tai của trẻ em được sinh ra với khả năng cao độ gần như hoàn hảo, nhưng nếu không được luyện tập, chúng sẽ bị mờ dần đi. Chính vì vậy mà hầu hết các bạn học đàn từ nhỏ khi hát hay phân biệt cao độ sẽ ít nhiều tốt hơn những người không học chơi đàn. Lời khuyên là nên cho trẻ học luyện tai từ sớm.
Người chơi nhạc cụ khi không có cảm âm tốt sẽ không thể xác định tông (Dĩ nhiên kết hợp với kiến thức lý thuyết nhạc và lý thuyết hòa âm nữa), không thể hiểu bài mới nhanh. Tương tự như vậy, việc sáng tác sẽ không thể hòa âm tốt, khó dựng bè hay, bị lối mòn.
Vậy nên việc luyện tập cùng với thực hành thường xuyên qua các nhạc cụ, việc học hát hay sáng tác sẽ giúp khả năng cảm âm của bạn được tốt lên từng ngày.
Nghe nhạc và xem nhiều video ca nhạc
Việc nghe nhiều cũng là cách luyện tai. Thời gian đầu luyện tập, bạn hãy xem nhiều video âm nhạc cũng như cách những người nghệ sĩ cảm âm như đánh hợp âm, luyến các nốt nhạc, đệm cho bài hát. Hãy học hỏi và tìm hiểu cách họ cảm âm là gì, ở đoạn nhạc đó họ dùng hợp âm nào, khi chuyển hợp âm họ chuyển như thế nào,…
Sau đó bạn hoàn toàn có thể bắt chước theo để phát triển kỹ năng cảm âm của cá nhân, đồng thời đây cũng là tiền đề giúp bạn phát triển ra cái chất riêng của mình đấy!
Luyện tập thường xuyên
Cũng giống như như việc luyện thanh, sự luyện tập kiên nhẫn hàng ngày sẽ tạo cho dây thanh có được trí nhớ cơ (Muscle Memory) theo tốc độ tăng dần. Theo thời gian, âm thanh của bạn sẽ dần thay đổi và đạt được kết quả như mong muốn.
Nắm được bản chất cảm âm là gì, luyện được kỹ năng cảm âm chỉ có thể được tích lũy dần qua thời gian luyện tập hằng ngày. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn giữ thái độ tích cực và sự nhiệt huyết, đừng vì cảm thấy khó mà bỏ cuộc. Bất kỳ bộ môn nào cũng đều “vạn sự khởi đầu nan” mà phải không nào?
Bài viết này VietVocal đã chia sẻ cho các bạn hiểu rõ hơn về Cảm âm là gì và cách để luyện tập khả năng này. Nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc nào, hãy để lại bình luận cho chúng tôi hoặc đơn giản bạn chỉ muốn góp ý về những kiến thức thanh nhạc, đừng ngần ngại hãy gửi email cho chúng tôi info@vietvocal.com để giải đáp thắc mắc nhé.
Bạn có thể tham khảo các khóa học thanh nhạc của VietVocal TẠI ĐÂY. Hãy đăng ký tham gia học thanh nhạc tại VietVocal để cảm nhận sự cải thiện trong giọng hát của mình nhé!