Nhạc cụ dân tộc Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng. Mỗi loại nhạc cụ có đặc tính, âm thanh và vẻ đẹp riêng. Dưới đây là các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Việt Nam là nước có một kho tàng nhạc cụ cổ truyền hết sức phong phú và đa dạng. Kho tàng ấy được hình thành trong suốt hành trình cuộc sống và chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Có những nhạc cụ được sáng tạo tại chỗ có tính đặc trưng bản địa, có những nhạc cụ được du nhập từ nhiều đường khác nhau nhưng đã được dân tộc hóa, bản địa hóa cho phù hợp với nhạc ngữ, với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam. Tổng cộng có đến vài trǎm chi loài nhạc cụ khác nhau. Dưới đây là những nhạc cụ tiêu biểu nhất của người Việt.
Mục lục
Đàn bầu
Đàn bầu còn được gọi là Độc huyền cầm. Là nhạc cụ có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Các nhạc sĩ Việt Nam đã biên soạn và chuyển soạn một số tác phẩm dạng concerto để nghệ sĩ sử dụng đàn bầu trình tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng thính phòng.
Đây là một trong các loại nhạc cụ được gảy bằng que hoặc miếng gảy. Đàn thân tre và đàn hộp gỗ là hai loại đàn bầu phổ biến hiện nay:
1. Đàn thân tre
Đàn thân tre này ít được phổ biến và thường được sử dụng trong hát Xẩm. Thân đàn được làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài 120cm, đường kính 12cm. Mặt đàn được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre, bương.
2. Đàn hộp gỗ
Đàn hộp gỗ là loại đàn được cải tiến từ đàn thân tre. Loại này được sử dụng nhiều bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp vì có nhiều tính năng ưu việt hơn.
Đàn hộp gỗ có nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau và thường được làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ ngô đồng… Trong đó kiểu đàn bằng gỗ vông được ưa thích và phổ biến nhất.
Đàn bầu được làm bằng một nửa quả bầu nậm. Bầu đàn lồng vào giữa vòi đàn nơi buộc dây đàn. Bầu đàn sẽ giúp âm lượng của đàn tăng thêm.
Âm sắc của loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam này sâu lắng, ngọt ngào, quyến rũ, dễ đi vào lòng người.
Sáo trúc
Sáo trúc xuất hiện nhiều trong văn thơ Việt Nam. Từ xưa đến nay đã gắn bó với đời sống tinh thần, văn hóa của người Việt. Vật liệu làm sáo trúc thường là tre hoặc trúc. Đường kính khoảng 1,5cm và chiều dài 30cm.
Từ xưa sáo trúc đã là một nhạc cụ gắn bó với đời sống tinh thần, văn hóa của người Việt và được đưa nhiều vào văn học
Sáo trúc là loại nhạc cụ được nhắc đến rất nhiều trong văn học Việt Nam. Từ trước đến nay sáo trúc diễn đạt nhiều cung bậc cảm xúc, âm vực rộng trên hai quãng tám. Âm sắc của nó trong sáng, vui tươi gợi mở khung cảnh đồng quê yên bình của nước ta.
Sáo trúc có thể độc tấu hoặc hòa tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng, cổ truyền, thính phòng, nhạc nhẹ.
Đàn tranh
Đàn tranh còn được gọi là đàn thập lục hay đàn có trụ chắn. Đàn thuộc họ dây, chi gảy; ngoài ra họ đàn tranh có cả chi kéo và chi gõ. Loại 16 dây nên đàn còn có tên gọi là đàn Thập lục.
Đàn tranh là nhạc cụ có dáng hộp dài từ 110 cm đến 120 cm. Thân đàn hình thang và có hai đầu, một lớn và một bé. Đầu lớn (25cm – 30cm) có lỗ để cài mắc dây, đầu nhỏ (12cm -20cm) có gắn khóa lên dây.
Gỗ ván ngô đồng được uốn hình vòm (dày khoảng 0.05 – 0.1cm) là chất liệu để làm nên mặt đàn. Trang bị thêm là Ngựa đàn (hay còn được gọi là con nhạn) nằm ở giữa phần đàn giúp gác dây và di chuyển điều chỉnh âm thanh.
Dây của đàn tranh được làm bằng chất liệu kim loại với nhiều kích thước khác nhau. Để chơi được đàn bầu chúng ta không dùng tay gảy đàn trực tiếp mà phải dùng móng tay bằng chất liệu kim loại (Có thể thay bằng đồi mời hoặc sừng).
Âm thanh của đàn tranh trong trẻo, tươi sáng rất thích hợp để thể hiện những điệu nhạc vui tươi. Vậy nên đàn tranh được sử dụng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho người hát, ngâm thơ, dàn nhạc tài tử, dàn nhã nhạc, phường bát âm và những dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Ðàn đáy
Đàn đáy là một nhạc cụ do người Việt sáng tạo và chế tác vào khoảng thế kỷ XV-XVIII. Đàn đáy còn có một số tên gọi khác như Vô Để Cầm (đàn không đáy) và Đới Cầm.
Đàn đáy là nhạc cụ được sử dụng trong hát ả đào, hát ca trù kết hợp cùng với phách và trống đế.
Âm thanh của đàn đáy mang chút buồn man mác. Là loại đàn được gắn với 7 cung chia đều nên người nghệ sĩ không cần vặn dây lại mà chỉ cần đổi thế bấm nhanh mỗi khi hát lên cao hoặc xuống thấp. Đàn đáy có thể tạo ra các ngón chùn, đây chính là nét độc đáo khi chơi loại đàn này.
Đàn tỳ bà
Đàn tỳ bà là một loại nhạc cụ dây gẩy của Việt Nam. Tuy nhiên có rất nhiều thông tin, tài liệu ghi chép lại rằng đàn tỳ bà đã xuất hiện tại Trung Quốc xuất và có tên gọi là PiPa.
Gỗ cây ngô đồng là chất liệu để làm nên chiếc đàn tỳ bà. Thùng đàn và cần đàn tỳ bà nối liền nhau có hình dáng như trái lê bổ đôi. Mặt đàn được làm bằng gỗ gỗ xốp, khá nhẹ. Phần mặt cuối thân đàn để mắc dây có tên là ngựa đàn. Đầu đàn được chạm khắc cầu kỳ với hình con dơi hoặc hình chữ thọ và được gắn 4 trục gỗ để lên dây.
Đàn tỳ bà có độ dài từ 94 cm – 100cm với cần đàn được gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên (Được gọi là Tứ Thiên Vương). Ngày nay dây đàn tỳ bà được được làm bằng dây nilon (xưa được làm bằng tơ tằm). Tám phím chính gắn ở phần mặt đàn được làm bằng gỗ hoặc tre giúp tạo ra những cao độ khác nhau khi chơi.
Tuy đàn tỳ bà có xuất xứ từ nước khác nhưng đã được cải tiến qua thời gian để phù hợp và trở thành nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Đàn nguyệt
Đàn nguyệt còn có tên gọi khác là đàn Kìm. Là loại nhạc cụ bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XI và được sử dụng chủ yếu dành cho nam giới. Đàn nguyệt được sử dụng trong dòng nhạc dân gian và dòng nhạc cung đình.
Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là “đàn nguyệt”. Cần đàn khá dài, phím cao nên nghệ sĩ có thể tạo ra được các âm mềm mại, nhấn nhá uyển chuyển.
Âm thanh của đàn nguyệt khi tươi sáng, rộn ràng, tình cảm, đa dạng trong diễn tả các trạng thái cảm xúc âm nhạc. Bởi vậy đàn nguyệt được sử dụng trong các buổi hòa tấu nhạc lễ trang nghiêm, lễ tang hoặc hát văn, hòa tấu thính phòng. Độc tấu, hòa tấu hoặc đệm hát là hình thức diễn tấu của đàn.
Đàn nhị (Đờn cò)
Đàn nhị là nhạc cụ có tuổi thọ lâu đời trong âm nhạc dân gian của nước ta. Đóng một phần quan trọng trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam từ trước đến nay.
Vì đàn có hình dáng giống con cò nên được người dân Nam Bộ gọi là Đờn Cò. Miêu tả rõ hơn về cây đàn thì trục dây đầu quặp xuống như mỏ cò, thân giống như con cò, cần đàn như cổ cò và tiếng đàn nghe lảnh lót nhưng tiếng cò.
Trước kia đàn cò được sử dụng trong các dòng nhạc như cải lương, dân ca tài tử, ngũ âm, bát âm,… Hiện nay chúng được sử dụng khi chơi những bản nhạc buồn và các bài hát quê hương.
Đàn tam thập lục
Đàn có tổng cộng 36 dây nên gọi là đàn tam thập lục. Là một nhạc khí dây thuộc chi gõ của nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Hộp đàn tam thập lục có hình thang cân, mặt đàn được làm bằng gỗ xốp, khá nhẹ và nhìn hơi phồng lên ở giữa. Thành đàn và cần đàn được làm bằng gỗ cứng nằm trên mặt đàn và được đặt so le 2 hàng ngựa (mỗi hàng có 28 hàng ngựa).
Cần đàn bên phải có 36 trục lên dây và cần đàn bên trái có 36 móc để mắc dây. Dây đàn được làm bằng chất liệu kim khí. Que đàn được làm bằng 2 thanh tre mỏng và dẻo.và đầu que được quấn dạ để khi chơi tiếng đàn nghe êm hơn.
Đàn tam thập lục khi chơi sẽ có âm thanh thánh thót, trong sáng và rộn rã. Bởi vậy, đàn tam thập lục thường được sử dụng trong các thể loại cải lương, chèo tuồng. Hình thức diễn tấu của đàn tam thập lục là độc tấu, đệm cho hát hoặc tham gia vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Đàn tam
Có 3 dây nên được gọi là đàn tam. Đàn được thiết kế mặt bầu vàng và được bịt da trăn. Ngày trước đàn tam được sử dụng khi chơi trong các dàn nhạc bát âm. Hiện nay đàn tam được sử dụng ở nhiều thể loại nhạc với nhiều kích thước khác nhau.
Âm thanh của đàn tam có âm sắc vang, sáng sủa và ấm áp nhưng lại hơi đục khi chơi ở những quãng thấp. Vì thế đàn tam thường được sử dụng để thể hiện những bài hát có giai điệu khỏe khoắn, mạnh mẽ.
Đàn sến
Đàn Sến hay còn có tên gọi là đàn Mai Hoa. Là nhạc khí dây gảy loại có cần đàn. Khả năng diễn tấu của đàn Sến rất phong phú, nó thường được dùng để độc tấu, hòa tấu trong dàn nhạc tài tử cải lương rất phổ biến ở miền Nam.
Hộp đàn có hình dáng hoa mai sáu cánh hoặc hình lục giác, đường kính khoảng 28 cm.
Mặt đàn và đáy đàn làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Thành đàn dày khoảng 6 cm và được làm bằng gỗ cứng. Cần đàn dài khoảng 70 cm, trên mặt đàn có 17 phím bấm. Phím đàn được gắn dựa theo thang âm 7 cung chia đều. Đàn có 3 trục gỗ nhưng chỉ dùng 2 trục để lên dây còn 1 để trang trí.
Âm sắc của đàn sến rất trong trẻo, tươi sáng, gần giống đàn nguyệt, chỉ khác là độ ngân vang không bằng.
Đàn đá
Đàn đá là nhạc cụ thuộc bộ gõ, đây là loại nhạc cụ cổ nhất trong âm nhạc Việt Nam. Mỗi phiến đá được chế tác bằng phương pháp thô sơ với hình dáng, kích thước khác nhau nên khi gõ sẽ có âm thanh khác nhau.
Với những phiến đá nhỏ, mỏng khi gõ sẽ cho âm cao. Ngược lại những phiến đá to, dày khi gõ sẽ cho âm trầm. Vật liệu được sử dụng làm đàn đá là các loại đá ở vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Tiếng đàn đá âm vang nghe như lời kể, niềm an ủi những buồn vui trong cuộc sống thường ngày.
Đàn gáo
Đàn gáo còn có tên gọi khác là đàn hồ và là dòng nhạc cụ được phát triển từ đàn nhị. Kích thước chính là chi tiết để chúng ta phân biệt đâu là đàn nhị, đâu là đàn gáo (đàn gáo có kích thước to và dài hơn đàn nhị). Đàn gáo còn có một số nét giống đàn hồ cầm của Trung Quốc về cách chơi và tính năng.
Ở Việt Nam, đàn gáo được được làm bằng một nửa gáo dừa to, bịt mặt gỗ để làm bầu đàn. Đàn hồ có 2 dây với 1 dây là bằng nylon và 1 dây bằng thép. Khi sử dụng cung vĩ kéo đàn tạo nên những âm thành đầy đặn, khỏe khoắn.
Đàn gáo thuộc bộ dây nên có cung vĩ để kéo đàn tạo ra những âm sắc đặc trưng. Đây là một nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc cổ truyền. Với các giọng nam trung, nam trầm, nữ trung thường dùng để đệm hát và phổ biến nhất trong hát xẩm.
Đàn T’Rưng
Đàn T’Rưng là dòng nhạc cụ dân tộc của có xuất xứ ở Tây Nguyên. Theo tiếng Bahnar thì T’Rưng có nghĩa là đàn lồ ô (tre) được ghép từ những ống lồ ô khá dài.
Cây đàn T’Rưng trung bình dài khoảng 1,5 đến 2 mét, gồm từ 12 đến 18 ống chứ không ngắn như đàn T’rưng của người Ê- đê, M’nông chỉ có từ 5-7 ống. Đàn T’rưng của người Bahnar được sắp xếp theo thứ tự từ ống ngắn dần đến ống dài. Ống dài nhất khoảng hơn 1,5 mét, ống ngắn nhất khoảng 30 cm.
Thường thì các ống ngắn có âm độ cao, các ống dài có âm độ trầm, thế nhưng âm độ còn phụ thuộc vào sự dày mỏng của ống tre nữa. Đàn T’rưng có âm sắc hơi đục, không kêu to và vang xa như một số các nhạc cụ gõ khác nhưng dễ đi vào lòng người bởi tiếng đàn mang cái “hồn’’ của núi rừng Tây Nguyên.
Đàn Đoản (đàn tứ)
Đàn Đoản hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như đàn tứ, đàn mặt trời, đàn nhật. Là nhạc khí truyền thống của dân tộc Việt và một số dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam.
Đàn đoản nhạc khí dây gảy (cần ngắn) có 4 dây được làm bằng tơ và được xếp phím 7 âm chia đều.
Âm thanh của đàn đoản trong sang, tươi tắn nên được dùng nhiều trong nhạc bát âm, cải lương hoặc tuồng. Ngoài ra đàn đoản còn được chơi trong dàn nhạc dân tộc hòa tấu.
Khèn
Khèn là nhạc cụ thuộc bộ hơi và có cấu trúc phức tạp. Trong quan niệm của người Mông khèn vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.
Khèn độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào. Khèn có 6 ống làm từ 1 loại trúc gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Thứ duy nhất từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ tự chế.
Âm sắc của khèn giòn, các ống khác nhau sẽ phát ra âm sắc khác nhau nên được dùng nhiều để diễn tấu và bè cho các bài hát.
Cồng chiêng
Cồng chiêng là nhạc cụ thuộc bộ gõ và đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời văn hóa đồng thau Đông Sơn.
Cồng chiêng được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng chiêng. Cồng chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.
Nhạc cụ dân tộc cồng chiêng là dòng nhạc cụ quan trọng của văn hóa việt nam. Mang nhiều giá trị nghệ thuật của bào dân tộc Tây nguyên.
Trên đây là bài viết “Tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam” của VietVocal. Mong rằng bạn đã hiểu rõ và có thật nhiều kiến thức bổ ích về nhạc cụ dân tộc. Nếu bạn muốn VietVocal viết về chủ đề nào hay có câu hỏi nào bạn hãy bình luận ngay phía dưới bài viết nhé!