Khí nhạc là gì? Khám phá thế giới âm thanh diệu kỳ của khí nhạc

0
749

Âm nhạc là tiếng nói chung của nhân loại, là món quà tinh thần vô giá mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Trong thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ, khí nhạc như một dòng chảy riêng biệt, mang đến cho người nghe những trải nghiệm độc đáo và đầy cảm xúc. Vậy Khí nhạc là gì? Làm thế nào để hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật này? Hãy cùng VietVocal tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Khí nhạc là gì?

Khí nhạc là loại hình âm nhạc được thể hiện bằng các nhạc cụ, không có phần lời ca như thanh nhạc. Loại hình này sử dụng âm thanh thuần túy của các nhạc cụ để truyền tải cảm xúc, thông điệp và tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật.

khi-nhac-la-gi-1
Khí nhạc là gì?

Loại hình âm nhạc này mang một số đặc điểm như:

  • Thể hiện bằng nhạc cụ: Khí nhạc sử dụng đa dạng các loại nhạc cụ từ bộ gõ, bộ dây, bộ hơi, đến nhạc cụ điện tử để tạo ra âm thanh.
  • Không có lời ca: Khí nhạc không sử dụng lời ca như thanh nhạc, thay vào đó, cảm xúc và thông điệp được truyền tải qua giai điệu, nhịp điệu, hòa âm và kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ.
  • Tính trừu tượng: Khí nhạc thường mang tính trừu tượng hơn so với thanh nhạc. Người nghe có thể cảm nhận và tự do liên tưởng, giải thích ý nghĩa của tác phẩm dựa trên cảm xúc và trải nghiệm cá nhân.
  • Thể loại phong phú: Khí nhạc bao gồm nhiều thể loại đa dạng như: giao hưởng, thính phòng, concerto, sonata, nhạc dân gian, nhạc phim,…

Sau khi đã tìm hiểu khái niệm Khí nhạc là gì? Sau đây VietVocal sẽ cùng các bạn tìm hiểu về các thể loại của loại hình này ở phần tiếp theo của bài viết.

Các thể loại nhỏ của khí nhạc

1. Bài ca không lời

Bài ca không lời là những tác phẩm khí nhạc nhỏ, giai điệu có tính chất du dương thường viết cho Piano, Violon hoặc ViolonCelle.

Nhạc sĩ người Đức F.Mendelssohn là người sáng tạo ra thể loại này. Ông đã viết tập Bài ca không lời gồm 48 bản cho đàn piano, trong đó mỗi bài có một hình tượng rõ ràng và biểu hiện tính chất độc đáo của nghệ thuật đàn phím.

Bài ca không lời là thể loại của khí nhạc phù hợp với đông đảo thính giả, biểu diễn trong các phòng hòa nhạc nhỏ có tính gia đình. Trong 48 bản của Mendelssohn có những bản có tiêu đề như Bài ca mùa xuân (số 30), Bài ca người chèo thuyền xứ Venise (số 12), Bài ca người thợ săn (số 3), Quay tơ (số 34),… Ông đã thơ hoá các khúc nhạc cho nhạc đàn, làm cho gần với ca khúc, tạo ra tính giai điệu trữ tình, ca xướng của nó.

khi-nhac-la-gi-2
Bài ca không lời là những tác phẩm thường viết cho Piano, Violon hoặc ViolonCelle

Sau Mendelssohn, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác cho thể loại này như Tchaikovsky. Một số tác phẩm của ông tuy không có tên gọi là bài ca không lời, nhưng có thể xếp vào thể loại này như: Tiếng hát chim sơn ca, Hoa tuyết, Bài ca người thợ gặt, Khúc ca mùa thu trong tập Bốn mùa của ông.

Thể loại bài ca không lời còn bao gồm những Khúc hát ru, những Bài chèo thuyền viết cho khí nhạc như những tác phẩm ở loại này của Chopin, Liszt, Schumann, Glinka,… Những tác phẩm ấy có đặc điểm chung vẫn giữ được tính chất ca khúc, tuy cũng có bài khuôn khổ lớn như một thiên trường ca trữ tình như Barcarolle của Chopin.

Các nhạc sĩ Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỉ XX tới nay, nhiều người đã sáng tác cho thể loại này như Hoàng Dương, Chu Minh, Nguyễn Đình Tấn v.v…

2. Vũ khúc

Vũ khúc là khúc nhạc viết đệm cho phần múa hoặc là những tác phẩm khí nhạc có tên gọi của điệu múa này hay điệu múa khác như menuet (mơ-nuy-i), valse (van-xơ), polka (pôn-ka), mazurka (ma-duốc-ca),… hay múa quạt, múa sạp, múa Chàm Rông…, tác phẩm Vũ khúc Tây Nguyên (nhạc sĩ Hoàng Đạm),… của Việt Nam.

Tính chất nổi bật của nhạc múa là sự rõ ràng của mặt tiết tấu, luôn lặp lại nhiều lần cùng một âm hình tiết tấu điển hình để có thể phân biệt được những loại múa khác nhau.

Từ xa xưa, nhạc múa, ca múa luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người và thể hiện được nhiều tâm trạng: vui, buồn, hân hoan, trang trọng.

3. Nocturne

Nocturne được gọi là dạ khúc, nghĩa là khúc nhạc đêm. Ở thế kỉ XVIII, nocturne là tên gọi của những bản hoà tấu nhỏ, gồm nhiều khúc nhạc ngắn liên tiếp do kèn gỗ và các nhạc khí dây trình diễn, có tính chất giải trí nhẹ nhàng, thường được biểu diễn ở ngoài trời với mục đích chúc tụng. 

Đến thế kỉ XIX, trong các sáng tác của những nhạc sĩ lãng mạn, nocturne là tên gọi của loại tác phẩm một chương không lớn lắm với đặc điểm ca xướng trữ tình, thể hiện những ước mơ, gợi nên sự yên tĩnh, hình tượng cảnh đêm.

Nocturne thường viết ở nhịp độ vừa phải hoặc chậm rãi. Nhạc sĩ Chopin đã viết 19 bản nocturne cho piano thường Nocturne không chỉ viết cho đàn piano trình tấu mà các nhạc sĩ còn viết nocturne cho tứ tấu dây hoặc cho dàn nhạc giao hưởng v.v…

Vài thể loại lớn của khí nhạc

Vài thể loại nhỏ của khí nhạc mà chúng ta vừa tìm hiểu ở mục trên là những sáng tạo của các nhà soạn nhạc qua từng thời đại khác nhau, đóng góp cho sự phong phú của âm nhạc, thể hiện được những tình cảm, suy tư của con người ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. 

Tuy nhiên, về một phương diện nào đó, các thể loại nhỏ ấy còn chưa đi được vào những vấn đề có tầm tư tưởng lớn, sâu sắc hơn, những vấn đề có tính triết lí, có tính quần chúng đông đảo. Vì vậy, các thể loại lớn của khí nhạc đã ra đời để phù hợp với sự đòi hỏi của con người là sonate, giao hưởng,…

1. Bản sonate

Bản sonate là một liên khúc, gồm một số chương nhạc tương phản (ít nhất là hai chương) nhưng đồng thời lại thống nhất theo một nội dung chung. Mỗi chương là một cấu trúc hoàn chỉnh được biểu diễn liên tục hoặc có thể tách từng chương để trình diễn. Người ta gọi là “bản sonate” hay “liên khúc sonate”. 

khi-nhac-la-gi-3
Chắc hẳn không ai không biết tới Bản sonate Ánh trăng của Beethoven

Các chương trong một liên khúc sonate được sắp xếp theo một trình tự cố định, trong đó ít nhất có một chương cấu trúc theo hình thức sonate.

Chương thứ nhất của liên khúc sonate thường viết ở nhịp độ nhanh, có tính tương phản giữa các hình tượng âm nhạc, thể hiện những khía cạnh khác nhau của thế giới nội tâm, của những cuộc đấu tranh xung đột trong cuộc sống, trong xã hội; thường có cấu trúc ở hình thức sonate, và còn gọi là sonate allegro (xônát a-lê-grô).

2. Bản giao hưởng

Bản giao hưởng là những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng, được biểu diễn trong một phòng hoà nhạc lớn, là một trong những thể loại âm nhạc thuộc đỉnh cao của loại hình nghệ thuật này.

Các bản sonate viết cho một, hai, ba hoặc một nhóm nhạc cụ biểu diễn, còn bản giao hưởng được viết cho một dàn nhạc bao gồm nhiều nhạc cụ cùng loại và khác loại trình bày. 

Trong dàn nhạc giao hưởng, người ta thường chia các nhạc cụ thành các bộ: bộ dây, bộ kèn đồng, bộ kèn gỗ, bộ gõ (đôi khi còn kết hợp cùng với giọng hát). Mỗi bộ gồm nhiều nhạc cụ khác nhau nhưng cùng họ,… Toàn dàn nhạc được trình diễn bằng sự chỉ huy của một nhạc trưởng.

Xem thêm: Những loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng

Giao hưởng cũng như sonate là các tác phẩm gồm một số chương tương phản với nhau về hình tượng, phần nhiều là gồm bốn chương (đôi khi ba, năm hoặc hai chương). Mỗi chương của bản giao hưởng có thể sánh với một màn của một vở nhạc kịch hoặc một chương của một cuốn tiểu thuyết.

Nội dung của các bản giao hưởng rất đa dạng, biểu hiện nhiều màu vẻ khác nhau của tình cảm con người như: sự đấu tranh giữa sự sống và cái chết, giữa niềm khát khao hi vọng với định mệnh, giữa chiến tranh và hoà bình, giữa ánh sáng và bóng tối, những hồi ức đẹp đẽ của tình cảm, những cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ,… Tất cả, tất cả những gì cảm xúc được, mường tượng được, các nhà soạn nhạc đều có thể biểu hiện trong tác phẩm giao hưởng. 

Các hình tượng trong bản giao hưởng lúc xung đột, đối chọi, căng thẳng, lúc quyện vào nhau, luân phiên trong sự chuyển động từ nhanh tới chậm, từ nhịp nhàng trong tiết tấu nhảy múa để rồi lại vụt nhanh như điệu quần vũ của ngày hội tưng bừng náo nhiệt.

Cũng như bản sonate, các chương ở trong bản giao hưởng đều có hình thức hoàn chỉnh nhưng chúng liên kết cùng với nhau theo một ý đồ chung.

Chương một viết ở nhịp độ nhanh và cấu trúc ở hình thức sonate. Các chương đầu của giao hưởng thường gồm những hình tượng tương phản, đối chọi với nhau có tính phát triển mãnh liệt, dồn dập, diễn biến kịch tính căng thẳng như miêu tả con người hoặc một tập thể quần chúng trong cuộc đấu tranh hoặc trong lao động sáng tạo.

Chương hai thường là chương chậm, chương trung tâm trữ tình của bản giao hưởng, dành cho những tư duy về cuộc đời, số phận, tình yêu cũng như ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên.

Chương ba là chương có nhịp độ nhanh, chương Menuet hay Scherzo. Chương nhạc thường hình thành trên tiết tấu của các điệu nhảy phong tục hoặc thể hiện tình cảm vui hoạt, dí dỏm như bức tranh sinh hoạt.

Chương bốn – chương kết có nhịp độ rất nhanh.  m nhạc vang lên như một kết luận chung, khái quát, khẳng định hình tượng đã xuất hiện ở các chương trước. Phần lớn chương kết biểu hiện những tình cảm trong sáng, yêu đời như khắc họa bức tranh ngày hội đồ sộ của quần chúng. Đôi khi chương kết mang đậm tính kịch nếu đó là ý đồ của tác giả, như chương kết của bản giao hưởng sol thứ của Mozart.

Tiền thân của giao hưởng là khúc mở đầu giao hưởng của nhạc kịch. Sau đó nhạc sĩ người Áo Haydn đã đặt nền móng cho thể loại này. Ông đã viết 104 bản giao hưởng, trong đó có những bản thể hiện tình cảm trong sáng, tươi vui hoặc kịch tính.

Tiếp theo, Mozart đã kế thừa và phát triển những thành quả của Haydn trong nghệ thuật giao hưởng. Những bản giao hưởng của ông thể hiện sự cân đối hài hoà và đầy chất thơ; đồng thời cũng có những mầm mống hình tượng anh hùng. 

Sau đó, nhạc sĩ Beethoven đã tạo nên một bước nhảy vọt vĩ đại cho nghệ thuật giao hưởng. Âm nhạc giao hưởng của ông thể hiện tầm cao tư tưởng thời đại, phản ánh trực tiếp những vấn đề xung đột lớn trong cuộc sống.

Sau Beethoven, các nhà soạn nhạc thuộc trường phái lãng mạn vẫn tiếp tục nghệ thuật giao hưởng, nhưng đã tìm được nhiều khía cạnh riêng phù hợp để biểu hiện tâm tư của con người thời đại. Cuối thế kỉ XIX và thế kỉ XX nhiều dân tộc đã tìm riêng cho mình một trường phái giao hưởng, đặc biệt là nghệ thuật giao hưởng của Nga.

Trong nền âm nhạc Việt Nam cuối thế kỉ XX đã xuất hiện những bản giao hưởng như Giao hưởng số 1 “Quê hương” của Hoàng Việt.

Hy vọng với những chia sẻ của VietVocal qua bài viết, các bạn đã có thêm hiểu biết về Khí nhạc là gì cũng như các đặc điểm, thể loại của loại hình nghệ thuật này.

Khí nhạc là một loại hình nghệ thuật độc đáo và đầy sức biểu cảm. Khí nhạc mang đến cho người nghe những trải nghiệm âm thanh phong phú và đa dạng, góp phần vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật của nhân loại. Hãy dành thời gian để lắng nghe và cảm nhận vẻ đẹp của khí nhạc, bạn sẽ khám phá được một thế giới âm thanh đầy diệu kỳ và những cảm xúc mới mẻ.

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 2 Trung bình: 5]
Banner khóa học
Bài trướcGiới thiệu về các thể loại thanh nhạc phổ biến
Bài tiếp theoTop 10 bài hát hay nhất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn