Thu âm tại nhà là một sở thích đang ngày càng phổ biến, giúp các bạn có thể tự tạo ra những bản nhạc của riêng mình. Để có thể thu âm tại nhà, bạn cần có một số thiết bị cần thiết cơ bản. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn những thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà.
Nếu bạn không có nhiều thời gian, chi phí và chỉ muốn setup một phòng thu cơ bản nhất tại nhà mà vẫn giúp bạn thỏa mãn đam mê. VietVocal sẽ gợi ý cho bạn 5 thiết bị sau đây để các bạn có thể tự setup cho riêng mình một home studio và thu âm với chất lượng như một phòng thu chuyên nghiệp. Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Mục lục
1. Máy tính và phần mềm làm nhạc (DAW)
Máy tính là thiết bị cần thiết để chạy phần mềm thu âm vậy nên cần có cấu hình đủ mạnh để xử lý âm thanh. Bạn có thể sử dụng máy Laptop hoặc PC đều được, chỉ cần cầu hình máy tương đối mạnh một chút như là Ram thì 4GB, Inter Core i5 trở lên, ổ cứng thì dung lượng lớn để cài đặt các phần mềm và lưu những project bạn thu âm.
Phần mềm làm nhạc hay gọi tắt DAW, chúng giúp bạn ghi lại âm thanh từ micro và xử lý âm thanh sau khi thu. Có nhiều phần mềm làm nhạc khác nhau, phù hợp với từng mục đích và trình độ của người dùng. Một số phần mềm làm nhạc phổ biến hiện nay như Audacity, FL Studio, Pro Tools, Cakewalk, Logic Pro,… Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết về các phần mềm này qua bài viết sau: Top 13 phần mềm làm nhạc chuyên nghiệp tốt nhất hiện nay.
2. Audio Interface (Chúng ta hay gọi là Sound Card)
Audio interface hay còn được là sound card, là thiết bị giúp kết nối micro với máy tính. Audio interface có chức năng chuyển đổi tín hiệu âm thanh từ micro sang tín hiệu điện tử, giúp máy tính có thể ghi lại âm thanh từ micro.
Audio interface có nhiều loại khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng và tùy mức giá. Hiện nay có một số loại audio interface phổ biến bao gồm:
- Audio interface 2 kênh: Audio interface 2 kênh có 2 đầu vào micro, phù hợp với nhu cầu thu âm giọng hát hoặc một số nhạc cụ đơn giản.
- Audio interface 4 kênh: Audio interface 4 kênh có 4 đầu vào micro, phù hợp với nhu cầu thu âm nhiều nhạc cụ cùng một lúc.
- Audio interface 8 kênh: Audio interface 8 kênh có 8 đầu vào micro, phù hợp với nhu cầu thu âm chuyên nghiệp.
3. Microphone
Microphone là thiết bị thu âm thanh. Micro có thể thu được âm thanh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm giọng hát, nhạc cụ, tiếng động môi trường,…
Có 3 loại microphone phổ biến hiện nay bao gồm:
Micro condenser
Micro condenser là loại microphone thu được âm thanh chất lượng cao, thường được sử dụng để thu âm giọng hát và nhạc cụ. Những studio thông thường chủ yếu vẫn sử dụng các loại microphone Condenser
Micro condenser cực kỳ nhạy và do thực tế chúng sử dụng màng ngăn dẫn điện dao động với áp suất âm thanh và sử dụng điện dung để tạo ra tín hiệu âm thanh, chúng rất dễ bị biến dạng ở các mức cao hơn, vì vậy không lý tưởng để thu âm gần ampli guitar. Bạn sẽ thường thấy micro condenser với màng lọc âm được đặt ở phía trước khi thu âm giọng hát. Điều này có tác dụng ngăn chặn áp suất không khí vượt quá làm rung micro. Bởi vì thực tế là chúng rất nhạy, nên bạn sẽ có được bản thu âm tự nhiên và trong suốt hơn nhiều với micro condenser.
Micro dynamic
Loại microphone có độ bền cao, ít bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Micro dynamic thường được sử dụng để thu âm giọng hát trong các buổi biểu diễn trực tiếp.
Các micro dynamic làm việc hiệu quả nhờ vào màng ngăn từ trường cuộn dây chuyển động, giúp thu âm một cách đáng tin cậy ngay cả ở những mức áp suất âm thanh cao. Điều này cho phép bạn đặt chúng gần các nguồn âm thanh mạnh như bộ khuếch đại bass và guitar, và thậm chí cả bộ trống mà không phải lo lắng về sự biến dạng hoặc hư hỏng không mong muốn. Một lợi điểm khác của chúng chính là giá cả thường rẻ hơn so với các loại microphone Condenser.
Micro ribbon
Ribbon là kiểu Micro được thiết kế dành riêng cho người sành thu âm, và thường là họ muốn có âm hưởng cổ điển trong bản thu của mình. Micro ribbon sở hữu một khả năng kỳ lạ để có thể thu âm toàn bộ phạm vi một cách hoàn hảo, thu âm những nốt cao hơn liên quan tới nhạc cụ hơi làm bằng gỗ hoặc đàn dây một cách chính xác và chuyển tiếp cùng nhiều âm thanh xung quanh hơn. Những tính năng này giúp cho những chiếc micro này rất phổ biến đối với những người muốn thu âm nhiều loại nhạc cụ acoustic chuyên nghiệp.
Mặc dù những chiếc Micro ribbon không còn phổ biến nữa, nhưng chúng đã từng rất thành công trong quá khứ, đặc biệt là ngành phát thanh.
4. Tai nghe kiểm âm
Tai nghe kiểm âm (Studio Headphone) là loại tai nghe được thiết kế dành riêng cho việc kiểm tra và chỉnh sửa âm thanh, một thiết bị không thể thiếu trong phòng thu của mỗi người cho dù là phòng thu tại nhà hay những studio chuyên nghiệp. Tai nghe kiểm âm có khả năng tái tạo âm thanh một cách chính xác, giúp người dùng nghe được các chi tiết âm thanh nhỏ nhất để có thể chỉnh sửa âm thanh một cách hiệu quả.
Để nghe được chính xác âm thanh chi tiết của các bản mix, bạn đừng sử dụng những chiếc headphone nịnh tai nhiều bass, treble siêu mượt mà hãy nên đầu tư vào một chiếc tai nghe kiểm âm chất lượng.
Có 2 loại headphone kiểm âm chính được sử dụng trong các phòng thu:
- Closed-Back Headphone: Loại tai nghe kiểm âm được thiết kế để cách ly tối đa với các nguồn âm thanh khi đang thu âm. Nó phải ngăn không cho âm thanh nào thoát ra ngoài hay lọt vào trong.
- Open-Back Headphone: Loại tai nghe kiểm âm được thiết kế để tối ưu chất lượng âm thanh nhưng nó có điểm yếu là dễ bị lọt âm thanh ra bên ngoài. Vì thế, Open-Back Headphone phù hợp để mixing hoặc mastering.
Nếu bạn có túi tiền hạn hẹp hãy nên lựa chọn Closed-Back Headphone để thu âm tốt và mix nhạc với một chất lượng âm thanh đảm bảo.
5. Loa kiểm âm
Loa kiểm âm (Studio Monitor) là loại loa được thiết kế dành riêng cho việc kiểm tra và chỉnh sửa âm thanh. Loa kiểm âm có khả năng tái tạo âm thanh một cách trung thực, giúp người dùng nghe được các chi tiết âm thanh nhỏ nhất để có thể chỉnh sửa âm thanh một cách hiệu quả. Nếu như các loại loa khác cho những âm thanh có đặc thù riêng thì loa kiểm âm sẽ cho bạn âm thanh có chất lượng chuẩn xác và trung thực nhất.
Có thể nói rằng, loa kiểm âm giống như là “đôi tai thứ 2” của những nhà sản xuất nhạc, kỹ thuật phòng thu vì chúng cung cấp âm thanh chân thật nhất. Do đó, thông qua loa kiểm âm, người sử dụng có thể biết được các bản mix của mình chất lượng thực sự như thế nào, nhờ đó đưa ra những điều chỉnh cần thiết.
Nếu có một cặp loa kiểm âm, mọi thứ ở trong bản mix của bạn sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Bởi bản chất của thiết bị loa kiểm âm là có thế nào sẽ thể hiện ra đúng như vậy. Bạn thiếu cái gì, thừa cái gì hay đang gặp phải vấn đề gì đều sẽ được thể hiện một cách rõ ràng. Nhờ vậy, bạn sẽ biết mình cần chỉnh sửa hay thêm những gì.
Đối với những người mong muốn có một phòng thu âm tại nhà và phòng thu âm đa năng thì một chiếc loa kiểm âm nói chung là loa bookshelf (Kiểu loa có kích thước nhỏ gọn, loa đặt gọn trên kệ sách) có kích thước và vị trí tương đối gần với người dùng (loa kiểm âm trường gần) để có thể giảm thiểu ảnh hưởng của âm thanh từ phòng và có thể lắng nghe một âm thanh trực tiếp hơn từ loa.
Ngoài những thiết bị cơ bản kể trên, các bạn cũng cần trang bị thêm một số sản phẩm khác để có thể kết nối các thiết bị với nhau như dây cáp kết nối mic cùng với sound card, chân mic,…
Như vậy VietVocal đã giới thiệu đến các bạn những thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà qua bài viết trên. Hy vọng những thông tin trên, bạn sẽ lựa chọn được những thiết bị thu âm phù hợp và bắt đầu thu âm tại nhà. Tuy nhiên, để có được chất lượng âm thanh tốt, các bạn cần tìm hiểu thêm về kỹ thuật thu âm và xử lý âm thanh nữa nhé! Chúc các bạn thực hiện thành công!