Nỗi sợ khi hát tại nơi đông người là chuyện không phải của riêng ai. Có thể bạn có một tình yêu lớn cho âm nhạc, say đắm với những giọng hát ngọt ngào và luôn ao ước mình có thể hát hay được như người nào đó, nhưng lại cảm thấy không tự tin về giọng hát của mình.
Vậy làm thế nào để vượt qua nỗi sợ khi hát ở nơi đông người và cho bản thân một cơ hội để trân trọng giọng hát, đam mê và sự tự tin của bản thân mình hơn? VietVocal sẽ chỉ bạn trong bài viết này!
Mục lục
Những nỗi sợ hát quanh quẩn trong đầu bạn
Trước tiên, bạn cần hiểu rõ những nỗi sợ của mình. Nếu sợ hát, bạn phải hiểu lý do và điều gì là nguyên nhân khiến cho mình cảm thấy bất an như thế. Nhờ vậy bạn mới có thể đối mặt và rũ bỏ được những cảm xúc tiêu cực ấy để tự tin tỏa sáng.
1. Sợ đứng trên sân khấu
Đơn độc một mình trên sân khấu rộng lớn, với bao ánh đèn, cặp mắt hướng về bạn. Đây là trường hợp khó để giữ bình tĩnh, đặc biệt là khi bạn chưa từng có kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn ở trên sân khấu.
2. Sợ hát trước mặt người khác
Tương tự như việc sợ phải nói chuyện trước đám đông – Một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người. Nói ở trước đám đông cũng giống một hình thức biểu diễn, và đây cũng là lý do khiến bạn sợ hát tại nơi đông người. Điều này là hoàn toàn bình thường, và đương nhiên bạn có thể khắc phục bằng cách luyện tập thật nhiều.
3. Sợ bị đánh giá
Nỗi sợ này thường tới từ những ký ức có trong quá khứ. Phải chăng trước đây lúc còn nhỏ, bạn đã từng bị những người “xấu tính” đưa ra phán xét, nói lời vô nghĩa khiến bạn tổn thương. Điều này hình thành nên sự tự ti và khiến bạn sợ hát trong một thời gian dài. Tuy nhiên đó chỉ là những gì bạn nghĩ, và nỗi sợ tâm lý mới là điều khiến bạn chùn bước.
4. Sợ bản thân trở thành trung tâm của sự chú ý
Bỗng nhiên nhận được vô vàn ánh nhìn từ người lạ là điều chắc chắn không phải lúc nào cũng thoải mái. Có những người yêu thích việc mình được làm trung tâm của sự chú ý, nhưng cũng có những người cảm thấy lo lắng, áp lực và đầy gánh nặng với những ánh mắt nhìn mình chăm chú như vậy.
5. Sợ hát lớn quá, không tự tin vào giọng của mình
Sợ hát với một âm lượng quá to, đặc biệt là khi hát những đoạn cao trào của bài hát. Thường sẽ có những suy nghĩ như chẳng may mình sẽ bị bể giọng, bị lạc tông, phô hay lộ khuyết điểm trong lúc biểu diễn.
6. Sợ hát không hay và tốt như người khác
Với sự phát triển nhanh chóng mạng xã hội hiện nay, bạn dễ dàng gặp phải những tình huống so sánh bản thân mình với những điều hào nhoáng mà bạn lướt qua trên mạng.
Facebook, Instagram, Twitter,… đó là nơi mọi người đăng tải những gì lung linh, xinh đẹp, tốt nhất về bản thân họ. Và bạn sẽ khó tránh khỏi việc tự so sánh với mình, nhìn ra điểm khác nhau. Tuy nhiên có một sự thật đó là bạn chỉ đang so sánh các “cảnh ở phía sau hậu trường” của mình cùng với những “thước phim chỉn chu nhất” của người khác.
Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ khi hát ở nơi đông người?
Tìm hiểu những câu chuyện truyền động lực từ người khác
Bạn có biết rằng các ca sĩ nổi tiếng toàn cầu như Adele hay Lorde, họ cũng từng rất sợ hát ở trên sân khấu?
Adele từng kể rằng: “Tôi sợ khán giả!”. Còn Lorde cũng từng thú nhận rằng trước mỗi buổi diễn, cô lo lắng tới mức đầu “căng như dây đàn”. Vậy mà họ vẫn có cách để vượt qua và trở thành những nữ ca sĩ tuyệt vời được bao người ngưỡng mộ.
Tìm hiểu những câu chuyện truyền động lực từ người khác sẽ khiến bạn nhận ra nỗi sợ này chỉ là hoàn toàn bình thường và ai cũng đều có thể gặp phải. Và nhìn vào cách họ vượt qua nỗi sợ sẽ tiếp thêm động lực cho bản thân, từ đó đánh bại nỗi sợ bên trong bạn, có được sự tự tin và cất giọng.
Tìm sự ủng hộ từ những người luôn tin tưởng bạn
Sự tự tin được xây dựng dần theo thời gian, từng bước một. Và bởi nỗi sợ hát này phần lớn tới từ tâm lý cá nhân, khiến bạn cảm thấy lo lắng, bất an và cần dành thời gian để chứng minh cho bản thân thấy rằng việc hát là “an toàn”, rồi dần dần tăng cấp độ lên.
Ví dụ như thời gian đầu bạn chỉ dám hát thầm, ngân nga một vài câu hát cho bản thân nghe. Bạn nên bắt đầu tập thu âm giọng của mình để làm quen, đánh giá và điều chỉnh, cải thiện một vài lỗi cần thiết như lỗi phát âm, cao độ, nhịp độ,…. Qua thời gian, bạn sẽ có đủ tự tin để tiến thêm bước nữa, bắt đầu hát cho những người thân thiết nhất của mình nghe. Người bạn biết chắc sẽ luôn động viên, ủng hộ bạn mọi lúc mọi nơi.
Hãy thử lên kế hoạch một buổi hát karaoke, nơi bạn vừa được thể hiện thoải mái, lại còn “tranh thủ” thời cơ để luyện tập giọng trước mặt nhiều người.
Chọn những bài hát bạn thực sự yêu thích
Vì các nỗi sợ thường sẽ dành hết sự tập trung của bạn cho nó, việc chọn cho mình một bài nhạc yêu thích, chọn vì ý nghĩa lời nhạc sẽ giúp chuyển hướng sự tập trung của bạn. Lúc này bạn sẽ quan tâm nhiều hơn trong việc chìm đắm vào giai điệu, ca từ của bài hát thay vì những thứ thứ vô nghĩa xung quanh hay nỗi sợ của bạn. Lúc này, bạn cất giọng hát để truyền cảm hứng, để mọi người thấy được cái hay của bài hát chứ không phải chỉ riêng cho bản thân mình nữa, và bạn sẽ thật sự trở nên tỏa sáng.
Tham gia một khóa học thanh nhạc
Thật vậy, cứ đứng luyện thanh liên tục, hát liên tục, hát trước giáo viên, hát với hệ thống âm thanh, hát trước mọi người, tự nhiên tới một lúc bạn bước ra ngoài hay bước lên sân khấu, sự tự tin thể hiện rõ qua từng bước đi, hơi thở, giọng nói. Nó vô hình và phát triển theo từng ngày tập luyện của bạn.
Hãy nhìn và để ý những người bạn của bạn đang học thanh nhạc xem có đúng không nhé.
Hy vọng rằng qua bài viết, bạn sẽ có thêm những lời khuyên bổ ích để vượt qua nỗi sợ khi hát ở nơi đông người, có thêm động lực theo đuổi đam mê ca hát của mình. Đừng quên truy cập blog.vietvocal.com thường xuyên để cập nhật thêm những bài viết mới nhất nhé!