Trị liệu âm nhạc là gì? Những lợi ích của việc trị liệu bằng âm nhạc

0
450

Âm nhạc không chỉ để lắng nghe, mang đến cho cuộc sống niềm vui, nỗi buồn, niềm cảm hứng, trải nghiệm,…. Không những thế, y học hiện đại đã chỉ ra rằng âm nhạc còn là liệu pháp giúp điều trị các chứng bệnh về thần kinh và tâm lý cực kỳ hiệu quả. Trong bài viết này, VietVocal sẽ cùng các bạn tìm hiểu về “Trị liệu âm nhạc là gì” cũng như những thông tin thú vị về chủ đề này nhé!

Trị liệu bằng âm nhạc là gì?

Trị liệu bằng âm nhạc (Music therapy) là một phương pháp trị liệu sử dụng những đặc tính cải thiện tâm trạng của âm nhạc để nâng cao sức khoẻ tâm thần nói riêng và sức khỏe nói chung. Đây là một phương pháp trị liệu can thiệp có mục tiêu rõ ràng và thường bao gồm các hoạt động sau đây:

  • Tạo ra các giai điệu
  • Viết lời bài hát
  • Hát
  • Nhảy múa
  • Nghe nhạc
  • Thảo luận về âm nhạc
tri-lieu-am-nhac-la-gi-1
Trị liệu bằng âm nhạc là gì?

Phương pháp trị liệu này có thể giúp ích cho những người mắc phải chứng trầm cảm hay lo âu, đồng thời còn có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống cho những ai đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất. Bất cứ ai cũng có thể tham gia trị liệu bằng âm nhạc mà không cần bất cứ kiến thức gì về âm nhạc trước đó.

Những phương pháp trị liệu bằng âm nhạc

Quá trình trị liệu bằng âm nhạc có thể coi là một quá trình mang tính chủ động (ví dụ như người được điều trị tự sáng tác nhạc) hoặc bị động (người được điều trị nghe nhạc và đưa ra phản hồi). Một số nhà trị liệu sẽ kết hợp cả hai phương pháp này trong quá trình trị liệu bằng âm nhạc.

Sau đây là những phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đã được các nhà chuyên gia công nhận:

Liệu pháp âm nhạc phân tích

Liệu pháp này khuyến khích người cần điều trị ứng tấu một cuộc “trò chuyện” bằng âm nhạc, thông qua việc hát hay chơi một loại nhạc cụ. Mục đích của việc này là giúp người cần điều trị bộc lộ được những suy nghĩ trong vô thức của mình, để sau đó có thể suy ngẫm về nó và thảo luận cùng với nhà trị liệu của mình.

Liệu pháp âm nhạc benenzon

Liệu pháp Benenzon là một sự kết hợp giữa việc làm nhạc với một số khái niệm của trường phái phân tâm học. Khi sử dụng liệu pháp này, người cần điều trị sẽ đi tìm bản sắc âm nhạc của chính mình. Quá trình này gồm việc mô tả những âm thanh bên ngoài phù hợp nhất với trạng thái tâm lý bên ở trong người cần điều trị.

Liệu pháp âm nhạc nhận thức – Hành Vi (CBMT)

Đây là một liệu pháp kết hợp trị liệu nhận thức – hành vi cùng với âm nhạc. Âm nhạc trong CBMT được sử dụng để củng cố hoặc điều chỉnh các hành vi. Liệu pháp CBMT có cấu trúc rõ ràng, không mang tính biến tấu và có thể gồm có các hoạt động như hát, nghe nhạc, nhảy múa hoặc chơi nhạc cụ.

Liệu pháp âm nhạc cộng đồng

Liệu pháp âm nhạc cộng đồng hướng đến việc sử dụng âm nhạc để tạo ra những thay đổi ở cấp độ cộng đồng. Liệu pháp âm nhạc này được thực hiện theo nhóm và yêu cầu từng thành viên đều cần phải nhiệt tình tham gia.

Liệu pháp âm nhạc nordoff-robins

Liệu Pháp âm nhạc Nordoff-Robins còn được biết tới dưới cái tên liệu pháp âm nhạc sáng tạo. Người tham gia trị liệu sẽ chơi một loại nhạc cụ (thường là chũm chọe hoặc trống) cùng lúc khi nhà trị liệu chơi một nhạc cụ khác. Âm nhạc trong trường hợp này được sử dụng để thể hiện bản thân khi thân chủ ứng tấu.

Phương pháp bonny – Nghe nhạc và tưởng tượng có hướng dẫn

Liệu pháp này sử dụng âm nhạc cổ điển để kích thích trí tưởng tượng. Khi sử dụng liệu pháp Bonny, người tham gia trị liệu sẽ đưa ra lời giải thích cho những cảm xúc, ký ức, cảm giác và hình ảnh mà họ thấy khi đang nghe nhạc.

Trị liệu tâm lý bằng thanh nhạc

Khi tham gia vào liệu pháp Bằng Thanh Nhạc, người tham gia trị liệu sẽ thực hiện các bài tập thanh nhạc, những âm thanh tự nhiên và các kỹ thuật thở để kết nối cùng với cảm xúc và những thôi thúc trong lòng. Liệu pháp này hướng đến việc tạo ra những kết nối sâu sắc với bản thân.

Những vấn đề, bệnh lý có thể áp dụng Trị liệu âm nhạc

Trị liệu âm nhạc có thể có ích cho những người gặp phải vấn đề về các bệnh lý như:

  • Bệnh Alzheimer
  • Lo âu hoặc căng thẳng
  • Rối loạn phổ tự kỷ
  • Những vấn đề liên quan tới giao tiếp (ngôn ngữ có lời và không lời)
  • Các vấn đề tim mạch
  • Đau mãn tính
  • Chứng trầm cảm
  • Bệnh tiểu đường
  • Rối loạn cảm xúc
  • Cảm giác tự ti
  • Đau đầu
  • Tính bốc đồng
  • Tâm trạng tiêu cực
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
  • Các vấn đề liên quan đến sinh nở
  • Các vấn đề liên quan tới sử dụng chất kích thích
  • Chấn thương sọ não
  • Sự cố về chuyển động, khả năng di chuyển
  • Phục hồi chức năng sau những thủ thuật y khoa hoặc chấn thương
  • Các vấn đề về hô hấp

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trị liệu âm nhạc còn có thể giúp những người gặp khó khăn về:

  • Mất ngủ
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Tâm thần phân liệt
  • Đột quỵ hay rối loạn thần kinh

Trị liệu âm nhạc cũng có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên:

  • Phát triển nhân cách
  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp
  • Học cách điều tiết cảm xúc
  • Phục hồi sau các sang chấn tâm lý hoặc chấn thương
  • Tự soi chiếu bản thân

Những lợi ích của việc trị liệu bằng âm nhạc

Khi tham gia trị liệu âm nhạc, người tham gia có thể nhận được các lợi ích như:

  • Kích hoạt được các bộ phận trong não bộ có ảnh hưởng tới trí nhớ, cảm xúc, một số các chức năng không tự chủ (VD: thở), chuyển động, chuyển tiếp cảm giác, việc đưa ra quyết định, tự thưởng
  • Đáp ứng được nhu cầu được giao tiếp xã hội của người lớn tuổi ở trong môi trường nhóm
  • Giảm nhịp tim và huyết áp
  • Kích thích cơ thể sản sinh ra hóc-môn endorphin (một loại hóc-môn có liên quan tới cảm giác vui vẻ)
  • Giảm căng thẳng và kiến tạo nên cảm giác yên bình
  • Tăng cường khả năng giao tiếp và vận động thể chất cho trẻ em và thanh niên chậm phát triển.

Công dụng và lợi ích của các liệu pháp âm nhạc đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Các phát hiện chính từ những nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng việc trị liệu bằng âm nhạc có thể có lợi cho những người bị lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và thậm chí là cả ung thư.

Trầm cảm

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp âm nhạc (MUSIC THERAPY) có thể trở thành một phần hữu hiệu trong quá trình điều trị bệnh trầm cảm. Theo các nghiên cứu thì liệu pháp âm nhạc có hiệu quả cao nhất nếu được kết hợp cùng với các phương pháp điều trị thông thường (kết hợp thuốc chống trầm cảm và trị liệu tâm lý) khi đang điều trị trầm cảm.

Bên cạnh chứng trầm cảm, liệu pháp âm nhạc khi được kết hợp cùng với các loại hình điều trị khác còn có thể giúp giảm các suy nghĩ ám ảnh, lo âu ở những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Chứng mất ngủ

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp âm nhạc có thể giúp những người rối loạn giấc ngủ do trầm cảm hay có triệu chứng mất ngủ. Nhiều người nhận thấy rằng âm nhạc, hay thậm chí là cả những tiếng ồn trắng (white noise), có thể giúp cho họ dễ ngủ hơn.

So với những loại thuốc và các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ thường được chỉ định khác, âm nhạc chính là một phương pháp điều trị có tính xâm lấn thấp hơn, với giá cả phải chăng hơn mà ai cũng có thể tự thực hiện được để có thể kiểm soát tình trạng của mình.

Kiểm soát các cơn đau

Các nghiên cứu đã khám phá ra rằng âm nhạc chính là một phương pháp có thể giúp kiểm soát các cơn đau cấp tính và mãn tính ở mọi lứa tuổi. Chẳng hạn việc nghe nhạc trong quá trình đang phục hồi sau phẫu thuật hay sau khi bị thương có thể giúp cả trẻ nhỏ và người lớn đối phó với các cơn đau thể xác.

Liệu pháp âm nhạc có thể giúp giảm đi các cơn đau liên quan tới:

1. Các tình trạng bệnh mãn tính

Liệu pháp âm nhạc có thể được kết hợp với một kế hoạch điều trị lâu dài để kiểm soát được các cơn đau mãn tính. Với những người phù hợp với liệu pháp âm nhạc, nó có thể giúp cho họ hồi phục, tập trung vào những ký ức đẹp trước khi họ phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng hiện tại.

2. Chuyển dạ và sinh con

Việc sinh con có hỗ trợ bằng phương pháp trị liệu âm nhạc để giúp người chuyển dạ kiểm soát được các cơn đau và lo âu là một lựa chọn tốt, giá cả phải chăng mà không cần sử dụng đến thuốc.

3. Phẫu thuật

Khi liệu pháp âm nhạc được bổ sung vào trong quá trình chăm sóc hậu phẫu, người bệnh có thể cảm thấy bớt đau đớn, lo âu, giảm nhịp tim và huyết áp.

4. Ung Thư

Bên cạnh những gánh nặng về mặt thể chất mà người bệnh phải trải qua sau khi bị chẩn đoán ung thư, gánh nặng về mặt tinh thần cũng thường nghiêm trọng không kém. Những người bị ung thư thường cần phải được hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo sức khỏe tâm thần.

Các nghiên cứu cho thấy sử dụng âm nhạc để trị liệu có thể giúp cho những người bị ung thư đang chuẩn bị xạ trị giảm lo âu. Liệu pháp này cũng có thể giúp họ bệnh chống chọi những tác dụng phụ của việc hoá trị như buồn nôn,…

So sánh Trị liệu âm nhạc và Trị liệu bằng âm thanh

Liệu pháp âm nhạc và liệu pháp âm thanh (Sound Healing – Chữa lành bằng âm thanh) là hai phương pháp trị liệu khác nhau, với những công cụ, mục tiêu, cách thức trị liệu và hoàn cảnh trị liệu khác nhau:

– Trị liệu bằng âm thanh đã có nguồn gốc từ tập tục của văn hoá Tây Tạng cổ đại trong khi liệu pháp âm nhạc còn tương đối mới.

– Liệu pháp âm nhạc tập trung để giải quyết các triệu chứng như căng thẳng và đau đớn còn phương pháp trị liệu bằng âm thanh dùng các loại công cụ để tạo ra những tần số âm thanh cụ thể.

– Việc đào tạo và cấp chứng chỉ để có thể trị liệu bằng âm thanh không được tiêu chuẩn hóa kỹ càng giống như trị liệu bằng âm nhạc.

– Các nhà Trị liệu âm nhạc thường làm việc ở trong các bệnh viện, trung tâm điều trị hoặc các cơ sở tư nhân, còn dịch vụ của các nhà trị liệu âm thanh thường nằm ở trong nhóm điều trị hỗ trợ và thay thế.

Như vậy VietVocal và các bạn đã cùng tìm hiểu về “Trị liệu âm nhạc là gì” và những thông tin thú vị về chủ đề này. Liệu pháp trị liệu bằng âm nhạc đã phổ biến trong việc điều trị liệu tâm lý và điều trị một số bệnh lý ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, việc trị liệu bằng âm nhạc đang dần được công nhận và phát triển. Vì thế, nó có thể được xem là một liệu pháp chăm sóc sức khỏe tiềm năng trong tương lai.

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 0 Trung bình: 0]
Banner khóa học
Bài trướcTìm hiểu về những hình thức thanh nhạc chủ yếu trong Opera
Bài tiếp theo8Bar là gì trong rap? Những phần 8Bar ấn tượng nhất trong Rap Việt