Tìm hiểu về kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

0
537

Ca hát là một trong những loại hình nghệ thuật âm nhạc xuất hiện sớm nhất, và cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác, người ca sĩ sử dụng tài năng của mình để truyền tải nội dung tư tưởng và vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm đến người nghe. 

Để trở thành một người diễn viên ca hát chuyên nghiệp, người nghệ sĩ cần được đào tạo bài bản, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc, cùng với sự hiểu biết về kỹ thuật trong biểu diễn thanh nhạc. Chính những yếu tố này sẽ tạo cơ sở cho người nghệ sĩ sáng tạo và mang đến cho khán giả những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Sau đây các bạn hãy cùng VietVocal tìm hiểu về những kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc nhé!

1. Động tác chào – Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

Sự xuất hiện đầu tiên của người ca sĩ sẽ tác động đến ấn tượng và tình cảm của khán giả. Vì vậy, người nghệ sĩ cần phải chú ý đến động tác chào khi ra sân khấu biểu diễn. 

Động tác chào không chỉ để thể hiện thái độ tôn trọng, lịch sự với người xem mà nó còn thể hiện yếu tố thẩm mỹ và sự hiểu biết của một người nghệ sĩ. Đôi khi chỉ cần quan sát động tác chào của người biểu diễn, khán giả cũng có thể đánh giá được sự tự tin, sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của họ. Có một số nghệ sĩ có màn biểu diễn thật tuyệt vời nhưng đến khi kết bài, họ lại thực hiện vội vàng chào khán giả như “chào khoán” cũng phần nào làm giảm đi thiện cảm của người xem.

Biểu diễn ca hát ngày nay vẫn giữ nguyên động tác chào truyền thống, thể hiện lòng cảm ơn và tôn trọng tới khán giả. Ca sĩ cúi ở mức độ vừa phải, hai tay thả lỏng tự nhiên dọc theo thân người hoặc tay trái để thẳng tự nhiên, tay phải đặt lên ngực trái ở tim. Tuy nhiên, đôi khi có những ca sĩ không hiểu rõ ý nghĩa của động tác này và đưa tay trái lên ngực phải.

Động tác chào này không chỉ là cách thể hiện lòng biết ơn khán giả, mà còn là cách gửi tới khán giả thông điệp rằng họ luôn nằm trong tim của người nghệ sĩ và là động lực để họ tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ khi tiết mục yêu cầu ca sĩ vừa ra sân khấu đã có các động tác diễn xuất, trong những trường hợp này có thể không cần phải chào khán giả.

Nhưng trong hầu hết các trường hợp, khi ca sĩ hát đơn ca hoặc tham gia vào tiết mục tập thể, đều nên chào khán giả khi ra sân khấu và khi kết thúc phần biểu diễn. Nếu ca sĩ hát nhiều bài một lúc, khi kết thúc từng tiết mục cũng nên chào khán giả. Nếu được hoan nghênh nhiều, nghệ sĩ nên cảm ơn khán giả nhiều lần, thậm chí khi đã vào hậu trường mà khán giả vẫn tiếp tục vỗ tay cổ vũ, nghệ sĩ cũng nên xuất hiện để chào lần cuối.

Với những tiết mục tập thể, một người có thể đại diện cả đội chào khán giả trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc tiết mục. Tuy nhiên, cần phải thống nhất động tác chào để đảm bảo tính đồng đều và đẹp mắt. Cả đội có thể thống nhất việc cùng chào khán giả bằng tiếng hô nhỏ hoặc một dấu hiệu đồng thuận nào đó. Điều quan trọng là chào khán giả không chỉ là nét đẹp của một buổi biểu diễn chuyên nghiệp mà còn là sự tôn trọng và tri ân của nghệ sĩ dành tới khán giả trung thành.

2. Ánh mắt – Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

Với người nghệ sĩ biểu diễn, đôi mắt là một phương tiện biểu hiện quan trọng. Trong nghệ thuật biểu diễn thanh nhạc, không chỉ khả năng thể hiện tình cảm qua giọng hát mà người ca sĩ còn cần biết thể hiện những suy tư, trăn trở của mình thông qua ánh mắt. Tuy nhiên, một số ca sĩ, đặc biệt là những ca sĩ trẻ ít có kinh nghiệm sân khấu, thường gặp khó khăn trong việc biểu đạt phù hợp với bài hát, đặc biệt là ở khuôn mặt, đôi tay và cả đôi mắt.

Nhiều ca sĩ khi biểu diễn căng thẳng, không tập trung, đôi mắt trao đổi liên tục hoặc nhìn lơ thơ vào không gian. Điều này làm mất khả năng tập trung chú ý vào sân khấu và cản trở việc thể hiện tư tưởng, tình cảm của bài hát. Đối với những tiết mục tập thể, người biểu diễn cần nhìn vào bạn diễn, thể hiện tình cảm và giao lưu một cách chặt chẽ.

Khi biểu diễn trên sân khấu, người diễn viên nên tránh nhìn trực tiếp vào mắt của khán giả hoặc một người cụ thể. Thay vào đó, họ nên nhìn vào một điểm trên trán hoặc không gian phía trên đầu khán giả. Điều này giúp tạo cảm giác như đang nói chuyện với khán giả mà không cần nhìn thẳng vào ai. Đối với các bài hát có nội dung khác nhau, người biểu diễn cần thể hiện ánh mắt phù hợp, từ cặp mắt long lanh khi biểu diễn những bài vui tươi đến ánh mắt nghiêm nghị, trang nghiêm trong những bài ca ngợi và trang trọng.

Tuy vậy, việc thể hiện những cảm xúc thông qua ánh mắt là một quá trình phong phú và đa dạng. Để thành thạo trong việc sử dụng đôi mắt làm phương tiện biểu diễn hiệu quả, người diễn viên cần quan sát, nghiên cứu cách thể hiện tình cảm của những đôi mắt thật trong cuộc sống hàng ngày, từ đó luyện tập và ứng dụng khi biểu diễn trên sân khấu.

3. Kết hợp hát với động tác và nhảy, múa – Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

Âm nhạc là môn nghệ thuật của âm thanh, nhưng để thưởng thức sự đẹp và hấp dẫn trong tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là các tác phẩm thanh nhạc, thị giác cũng đóng vai trò quan trọng. Thính giác chủ yếu giúp ta nghe âm nhạc, trong khi thị giác làm cho trải nghiệm âm nhạc trở nên toàn diện và sâu sắc hơn.

Ngoài những yếu tố khác như hóa trang, phụ trang, âm thanh và ánh sáng trong quá trình biểu diễn, kết hợp giữa giọng hát với sự vận động và động tác múa ở mức độ vừa phải có thể làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả.

Lịch sử nghệ thuật opera đã chứng minh rằng việc đưa các màn nhảy múa vào diễn xuất không chỉ để giải trí mà còn có thể liên quan chặt chẽ đến nội dung nhạc kịch và mang lại thành công cho vở diễn. Nhà cải cách nhạc kịch người Đức C.W.Gluck đã đi tiên phong trong việc thực hiện quan điểm này.

Trong vở nhạc kịch Carmen của nhạc sĩ người Pháp G.Bizet, sự kết hợp giữa hát và nhảy múa của nhân vật Carmen ở phần đầu tác phẩm khiến khán giả không thể quên. Các màn nhảy múa khác trong hồi hai cũng tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ và mang lại sự hứng thú cho người xem.

Trong biểu diễn thanh nhạc, người nghệ sĩ sử dụng nhiều động tác nhảy múa, bao gồm động tác minh hoạ, động tác biểu hiện và vũ đạo, để làm cho biểu diễn thêm phần sáng tạo và tạo cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả.

4. Động tác minh hoạ – Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

Người xưa đã có câu nói “Lời nào bộ ấy” có nghĩa là khi hát ca từ nói về điều gì thì chúng ta sẽ có động tác minh hoạ cho lời ca ấy. Ví dụ như khi hát đến bầu trời có thể chỉ tay hoặc nhìn lên cao, khi hát đến đất thì chỉ tay xuống đất hoặc chỉ tay vào bản thân khi hát về nhân vật tôi,… 

Ngoài ra, động tác minh hoạ còn miêu tả về hình tượng trong ca khúc. Ví dụ  khi hát ca khúc Cánh chim báo tin vui (Nhạc sĩ Đàm Thanh) đến đoạn tả tiếng chim, ca sĩ có thể vừa hát vừa duyên dáng để tay lên miệng để làm điệu bộ tả con chim đang hót; hay khi hát bài Qua sông (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn) đến câu hát “Hò khoan chị em chúng mình ta lướt nhanh con thuyền đưa các anh”, người ca sĩ có thể sử dụng bàn tay và cơ thể để diễn tả động tác đang chèo thuyền.

5. Động tác biểu hiện – Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

Ngôn ngữ cơ thể hay động tác biểu hiện là chỉ việc ca sĩ có thể sử dụng thêm các động tác khi hát như đôi bàn tay, đặc biệt là ánh mắt để biểu hiện các tình cảm khi vui sướng, khi tức giận, khi đau buồn, lúc căm hờn,… mọi trạng thái tình cảm chứa đựng trong bài hát và trong nội tâm người diễn viên. 

Những ai đã một lần xem Tùng Dương biểu diễn bài hát Ôi quê tôi (nhạc sĩ Lê Minh Sơn) chắc chắn sẽ có cảm giác “Nổi da gà” khi nghe nam ca sĩ cất giọng hát cũng như những chuyển động cơ thể đầy “Ma mị” cùng ánh mắt xuất thần trong đoạn có lời ca:

“Ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá

Mài tuổi thơ tôi sắc ngọt

Ánh mắt em lung lay sóng rượu quê rót đầy chống chếnh thân em”

Hay khi xem Diva Thanh Lam biểu diễn, tuy ca sĩ này không sử dụng quá nhiều sự chuyển động của cơ thể nhưng khán giả vẫn có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ, da diết hay đau khổ qua tiếng hát cũng như những động tác hình thể của cô.

Có thể nói, động tác biểu hiện hay ngôn ngữ cơ thể là những động tác thể hiện nhiều sự tinh tế. Với kiểu động tác này, ca sĩ nên sử dụng hạn chế chuyển động nhất tránh làm “lố” nhưng vẫn cần đạt hiệu quả truyền tải thông tin lớn nhất tới khán giả. Có như vậy, người ca sĩ sẽ tăng thêm sự truyền cảm tới người nghe nhạc.

5. Động tác vũ đạo – Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc

Động tác vũ đạo thường xuất hiện trong các biểu diễn ca nhạc, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ và nhạc dance. Những động tác này không mang ý nghĩa cụ thể mà chủ yếu tạo thêm sự sinh động và lôi cuốn cho bài hát, hoặc thể hiện vẻ đẹp hình thể của người biểu diễn.

Việc luyện tập động tác vũ đạo đòi hỏi ca sĩ phải có thể lực tốt, vì hát kết hợp với nhảy múa liên tục ở tốc độ nhanh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng và dễ dẫn đến hụt hơi.

Các ca sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc dance, thường dành nhiều thời gian luyện tập vũ đạo, mỗi ngày từ một đến hai tiếng, để thể hiện những màn trình diễn đẹp mắt và ấn tượng.

Tuy nhiên, trong quá trình biểu diễn, nghệ sĩ cần nhớ rằng giọng hát vẫn là phương tiện chủ yếu để diễn đạt tình cảm. Việc sử dụng quá nhiều động tác nhảy múa và vũ đạo có thể làm mất đi sự tập trung vào giọng hát, làm cho tiết mục biểu diễn biến thành múa – hát hoặc hát- múa, khiến người xem cảm thấy thiếu sự tận hưởng và chân thực.

Trên đây là bài viết về chủ đề Kỹ thuật hình thể trong biểu diễn thanh nhạc được VietVocal tìm hiểu, tổng hợp và biên soạn gửi tới các bạn đọc. Hiện nay việc chú trọng và quan tâm đến kỹ thuật biểu diễn trong đào tạo Thanh nhạc ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, VietVocal mong muốn nhấn mạnh về một số kỹ thuật hình thể của nghệ sĩ trong biểu diễn Thanh nhạc, nhằm cung cấp cơ sở để nâng cao chất lượng biểu diễn và sự thành công của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết, hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau nhé!

Đánh giá bài viết!
[Tổng: 0 Trung bình: 0]
Banner khóa học
Bài trướcOST là gì? Những bản OST nổi tiếng và hay nhất
Bài tiếp theoTổng hợp các chủ đề nội dung trong rap