Nhạc cổ điển, một kho tàng âm nhạc đồ sộ và tinh tế, đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, ghi dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa của nhân loại. Bài viết này VietVocal sẽ đưa bạn vào hành trình khám phá lịch sử và đặc điểm của các giai đoạn chính trong dòng nhạc cổ điển, từ thời kỳ Trung Cổ đến âm nhạc đương đại.
Mục lục
1. Thời kỳ Trung Cổ (1150 – 1400)
Âm nhạc thời Trung cổ là tập hợp các tác phẩm âm nhạc phương Tây được sáng tác trong khoảng thời gian từ 500 đến 1400. Thời kỳ này bắt đầu sau sự suy tàn của Đế chế La Mã và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 15. Lịch sử của âm nhạc cổ điển thực sự bắt đầu vào cuối thời kỳ Trung cổ.
Các bài nhạc được sáng tác cho các nhà thờ chủ yếu là dành cho việc trình diễn ca hát, vì việc sử dụng nhạc cụ được xem là thiêng liêng và “điều của quỷ dữ”. Tín ngưỡng của họ cho rằng việc nhạc cụ hoạt động là do ma quỷ thực hiện.
Và do việc nhạc cụ thường được sử dụng để kèm theo khiêu vũ, nhưng việc khiêu vũ vào thời điểm đó bị cấm vì niềm tin tôn giáo (Công giáo) coi đó là hành động tội lỗi. Dù có rất nhiều bản nhạc khiêu vũ từ thời kỳ đó, nhưng hầu hết đã bị mất đi vì không được ghi chép lại.
Các nhà soạn nhạc nổi tiếng thời Trung cổ bao gồm Léonin, Pérotin, Guillaume de Machaut,…
⇒ Xem chi tiết tại bài viết: Tổng quan về âm nhạc thời Trung Cổ (1150 – 1400)
2. Thời kỳ Phục Hưng (1400-1600)
Thời kỳ Phục hưng kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ trong cả thành phần âm nhạc thiêng liêng và thế tục. Nhạc thế tục không liên quan đến tôn giáo, mà tập trung vào các khía cạnh của cuộc sống như ca khúc tình yêu, châm biếm chính trị, tinh thần thượng võ, các tác phẩm sân khấu và vũ nhạc.
Nhiều nhà thờ lớn đã được xây dựng trên khắp châu Âu và các nhà soạn nhạc đã viết nhạc dành riêng cho nhà thờ, chủ yếu là nhạc thánh. Âm nhạc thế tục cũng trở nên cực kỳ phổ biến, đặc biệt là các bài hát và nhạc kịch, thường đi kèm với các nhạc cụ.
Những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong thời kỳ này bao gồm: Giovanni da Palestrina, Thomas Tallis, Orlando di Lasso và William Byrd.
⇒ Xem chi tiết tại bài viết: Tổng quan về âm nhạc thời kỳ Phục Hưng (1400-1600)
3. Thời kỳ Baroque (1600 – 1750)
Thời kỳ Baroque kéo dài từ khoảng thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18. Trong giai đoạn này, các dàn nhạc giao hưởng được hình thành và nhạc opera trở thành một thể loại âm nhạc quan trọng. Hầu hết các nhà soạn nhạc làm việc cho nhà thờ hoặc cho những gia đình giàu có, có dàn nhạc riêng, hoặc làm việc cho các nhà hát opera.
Những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thời kỳ này bao gồm: Claudio Monteverdi, Heinrich Schütz, Henry Purcell, George Frideric Handel, Johann Sebastian Bach, Antonio Vivaldi, Domenico Scarlatti và Georg Philipp Telemann.
⇒ Tham khảo thêm tại bài viết: Nhạc Baroque là gì? Nguồn gốc và đặc điểm của âm nhạc thời kỳ Baroque
4. Thời kỳ nhạc Cổ điển (1750 – 1820)
Khoảng thời gian từ 1760 đến 1825 được biết đến là thời kỳ Cổ điển, nằm giữa thời kỳ Baroque và thời kỳ Lãng mạn. Âm nhạc cổ điển trong giai đoạn này thường có cấu trúc nhẹ nhàng, rõ ràng hơn so với âm nhạc Baroque và ít phức tạp hơn.
Các nhà soạn nhạc trong thời kỳ này đã nỗ lực để cải thiện và tổ chức cấu trúc các tác phẩm của họ. Âm nhạc cổ điển cũng chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm nghệ thuật cổ điển của người Hy Lạp và La Mã cổ đại. Các thể loại âm nhạc thính phòng đa dạng đã được phát triển, bao gồm cả các tác phẩm tứ tấu dây.
Những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong thời kỳ này bao gồm: Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Christoph Willibald Gluck và Ludwig van Beethoven,…
⇒ Tham khảo thêm tại bài viết: Tổng quan kỷ nguyên nền âm nhạc cổ điển (1750 – 1820)
5. Thời kỳ nhạc Lãng mạn (1820 – 1900)
Âm nhạc Lãng mạn là một thuật ngữ chỉ một phong cách âm nhạc cổ điển phương Tây xuất phát từ cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Nó được liên kết với chủ nghĩa lãng mạn, một phong trào nghệ thuật và văn học nổi lên vào cuối thế kỷ 18 tại châu Âu. Trong giai đoạn này, những nhà soạn nhạc nhận thức được tầm quan trọng của việc thể hiện cảm xúc và tình cảm cá nhân trong âm nhạc, dẫn đến sự xuất hiện của các tác phẩm âm nhạc kể về những câu chuyện tình lãng mạn.
Thời kỳ này cũng là thời kỳ của những nhạc sĩ tài năng, như Paganini, người được biết đến với việc “bán linh hồn cho quỷ” để có được khả năng chơi violin tuyệt vời. Các tác phẩm của Paganini thường mang tính chất trữ tình và kịch tính, đòi hỏi kỹ thuật violin “thần thánh” mới có thể biểu diễn được.
Ngoài ra, các nhà soạn nhạc như Beethoven và Schubert cũng được xem là thể hiện tính cách của thời kỳ này cũng như thời kỳ nhạc Cổ điển.
Những năm trong thời kỳ này là thời điểm xã hội chứng kiến nhiều biến động. Sau cuộc chiến tranh của Napoléon, quyền lực không còn tập trung ở các gia đình quý tộc. Âm nhạc thế kỷ 19 thường có tính dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, và các nhà soạn nhạc đã sáng tác những tác phẩm đặc trưng để tôn vinh đất nước của họ.
Một số nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thời kỳ này bao gồm: Ludwig van Beethoven, Franz Schubert, Frédéric Chopin, Robert Schumann, Hector Berlioz, Felix Mendelssohn, Anton Bruckner, Pyotr Ilyich Tchaikovsky, Edward Elgar, Johannes Brahms, Gustav Mahler và Richard Strauss…
6. Nhạc cổ điển thế kỷ 20
Nhạc cổ điển thế kỷ 20 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của âm nhạc cổ điển. Nó là giai đoạn tiếp theo sau thời kỳ âm nhạc Lãng mạn, đồng thời chứng kiến nhiều biến động lịch sử, mang tính toàn cầu. Cuộc chiến tranh thế giới lần 1, lần 2, Chiến tranh Lạnh, Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và quá trình toàn cầu hóa, tất cả đã ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình sáng tác của các nhà soạn nhạc. Trong thời kỳ này, có nhiều dòng trào mới trong âm nhạc đến mức khó có thể đếm hết.
Đặc điểm chính của âm nhạc cổ điển thế kỷ 20 là sự phá vỡ các nguyên tắc truyền thống và tìm kiếm cách thể hiện mới, cùng với những chủ đề mới. Jazz đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến âm nhạc thời kỳ này, đặc biệt là với các nhà soạn nhạc người Mỹ. Vào cuối thế kỷ 20, các nhà soạn nhạc như Pierre Boulez và Karlheinz Stockhausen đã thử nghiệm nhiều phương thức sáng tạo, bao gồm cả sử dụng âm nhạc điện tử (như máy ghi âm, v.v.). Các nhà soạn nhạc hiện đại đã kết hợp những ý tưởng này để phát triển phong cách riêng của họ.
Một số nhà soạn nhạc nổi tiếng trong thời kỳ này bao gồm: Claude Debussy, Jean Sibelius, Maurice Ravel, Igor Stravinsky, Béla Bartók, Arnold Schoenberg, Aaron Copland, Benjamin Britten, Leonard Bernstein, Philip Glass, Dmitri Shostakovich, Dmitri Kabalevsky, Judith Weir, James MacMillan, Peter Maxwell Davies,…
7. Âm nhạc cổ điển đương đại
“Nhạc đương đại” (Contemporary music) đề cập đến âm nhạc hiện đại, bao gồm bất kỳ loại âm nhạc nào được sáng tác trong thời gian gần đây, có thể thuộc vào nhiều thể loại khác nhau. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh của âm nhạc chuyên môn và phân loại thời kỳ âm nhạc, “Nhạc đương đại” thường được hiểu là sự phát triển hiện đại hóa của nhạc nghệ thuật (art music, còn được gọi là “Dòng nhạc chính thống” hoặc “nhạc bác học”).
Trong phạm vi hẹp hơn, “Nhạc đương đại” ban đầu bao gồm các tác phẩm nhạc cụ thuộc vào dòng nhạc chính thống của châu Âu từ đầu thế kỷ 20 – các tác phẩm âm nhạc phủ nhận cấu trúc giọng điệu đã tồn tại trong hơn 3 thế kỷ trước đó. Nhạc đương đại, theo nghĩa này, là sự phát triển từ âm nhạc cổ điển, bao gồm các thể loại như nhạc giao hưởng, nhạc giao hòa hoặc độc tấu nhạc cụ, và nhạc dàn hợp xướng.
Trong ngữ cảnh của âm nhạc phổ thông, thuật ngữ “Nhạc đương đại” đôi khi được sử dụng để mô tả một số xu hướng âm nhạc hiện đại. Các thể loại như Pop, Jazz của thập kỷ 80 và 90 có thể được coi là đương đại trong thời kỳ đó, nhưng không còn phù hợp khi nói về thế kỷ 21 hiện tại.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp âm nhạc, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, đã xuất hiện nhiều thể loại nhạc mà trước đây chưa từng được biết đến. Vì vậy, thuật ngữ “Nhạc đương đại” có thể có sự định nghĩa linh hoạt hơn, phản ánh xu hướng thị trường hiện tại.
Dòng nhạc cổ điển, với bề dày lịch sử và những giá trị nghệ thuật độc đáo, luôn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân loại. Mỗi giai đoạn trong lịch sử phát triển của dòng nhạc này đều mang những dấu ấn riêng biệt, góp phần tạo nên bức tranh âm nhạc đa dạng và phong phú.
Bài viết này chỉ là tóm tắt sơ lược về lịch sử và đặc điểm của các giai đoạn nhạc cổ điển. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về dòng nhạc này và khơi gợi niềm hứng thú để khám phá về nó.