Bạn nghĩ sao về vấn đề luyện tập hát có cảm xúc hay không có cần đến kỹ thuật thanh nhạc? Cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.
Có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc cách luyện hát và thể hiện một ca khúc thông qua cảm xúc hay kỹ thuật. Bạn hãy luôn nhớ, nghệ thuật là tâm hồn nên mọi thứ xung quanh sẽ là thứ bổ trợ nhưng luôn luôn hãy trong trạng thái cân bằng.
Một ca sĩ kỹ thuật tốt nhưng vì lạm dụng kỹ thuật nhiều lại khiến bài hát cường điệu, thiếu cảm xúc hay một ca sĩ có chất giọng đẹp, đầy cảm xúc nhưng kỹ thuật không tốt sẽ gặp khó khăn trong việc truyền tải cảm xúc vì thiếu công cụ (kỹ thuật). Vì vậy, cần cân bằng hai điều này.
Ở trong bài này, VietVocal sẽ hướng dẫn các bạn các cách để luyện hát có cảm xúc qua việc truyền tại nội tâm của mình vào ca khúc.
Mục lục
Nghe nhiều thể loại nhạc
Nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau giúp bạn có nhiều cảm nhận và cảm xúc hơn về cách mà các ca sĩ họ thể hiện vào từng câu hát thay vì mãi đóng khung trong một thể loại âm nhạc.
Hai bài hát có cùng chủ đề nhưng lại hát ở hai thể loại khác nhau sẽ có cách truyền tải cảm xúc khác nhau. Vì vậy, nghe nhiều thể loại nhạc hơn sẽ giúp bạn dễ dàng truyền tải cảm xúc một cách trọn vẹn hơn.
Ví dụ: Cùng một chủ đề tình yêu đổ vỡ nhưng cách truyền tải của 2 ca khúc “Irreplaceable – Beyonce” thuộc thể loại R&B hay “Take A Bow – Rihanna ” đều thể hiện một thái độ mạnh mẽ gạt bỏ đi do người yêu phản bội, thay vào đó ca khúc “Darin – Why Does It Rain” thuộc thể loại Pop – Ballad lại thể hiện tâm trạng day dứt khi người yêu ra đi.
Trong khi Pop – Ballad là thể loại âm nhạc mang tính tự sự và mang tính diễn biến câu chuyện sẽ phù hợp tạo cảm xúc buồn cho người nghe. R&B lại là thể loại có chủ đạo về tiết tấu nảy tạo cảm xúc dứt khoát, mạnh mẽ.
Có thể gọi thể loại âm nhạc là một trong những công cụ giúp truyền tải nội dung cảm xúc của bài hát nên không có gì là lạ việc biết nhiều thể loại âm nhạc giúp bạn phát triển tư duy về mặt cảm xúc của tác phẩm.
Luyện tập cảm thụ âm nhạc
Hiểu về cấu trúc của bài hát qua bản phối và dụng ý khi dựng bản phối đó cũng là cách để giúp bạn tăng khả năng nhận biết mạch cảm xúc của bài hát từ đó giúp bạn hát có cảm xúc hơn.
Phát triển kỹ năng và nội tâm của bản thân
Về kỹ năng:
Kỹ năng cần có để bạn có thể truyền tải tốt một ca khúc có cảm xúc là luyện tập và thuần thục các kỹ năng về các kỹ thuật thanh nhạc. Nó sẽ giúp bạn biết cách linh hoạt đúng chỗ từ đó hát có cảm xúc dễ dàng hơn.
Về phát triển nội tâm:
Khi mà mọi người luôn tìm câu trả lời bên ngoài về việc làm sao để có thể hát cảm xúc, thì mọi người lại ít quay ngược vào bên trong bản thân mình để trả lời.
Cảm xúc là thứ phát ra từ bên trong con người bạn. Luyện tập những xúc cảm từ bên trong nội tâm của bạn mới là điều quan trọng nhất để bạn có thêm nhiều suy nghĩ sâu sắc về những nội dung của các tác phẩm.
Bạn có thể luyện tập bằng cách đọc sách hoặc tập phân tích suy nghĩ của nhạc sĩ viết ca khúc đó bằng cách đặt câu hỏi: Nhạc sĩ có suy nghĩ gì khi viết ca khúc? Có điểm gì đặc biệt trong ca khúc đó hay không?
“Cảm xúc” khi hát là một khái niệm không thực sự cụ thể, vì vậy, cảm xúc sẽ khó để hình dung và không có thang đo đến khi nào là bạn đã hát có cảm xúc. Quan trọng bạn hãy luôn nhớ hát bằng tất cả sự chân thành và con tim mình thì đó chính là cảm xúc chân thật nhất có thể truyền tới cho khán giả.
Vừa rồi, VietVocal đã chia sẻ một số cách luyện tập giúp bạn hát có cảm xúc hơn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào hay đơn giản là muốn góp thêm ý kiến về bài viết trên, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết nhé. Rất mong nhận phản hồi từ bạn.